top of page
Ảnh của tác giảAdministrator

Truy cầu Đức hay là cái cớ né tránh mâu thuẫn để đề cao tâm tính?

Đã cập nhật: 3 thg 6, 2019

[2018/03/02] NGUYỄN ĐỨC HẠNH



Là người tu luyện theo Pháp Luân Đại Pháp thì ai cũng hiểu được nguyên lý được – mất mà Sư Phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân (học viên xem lại nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài "Mất và Được" - Chuyển Pháp Luân) (Link). Theo thể ngộ nông cạn của tôi thì tôi hiểu đó là nếu ai nạt dối, ức hiếp, quát tháo v..v một người nào đó thì phải cấp Đức cho người đó. Tuy nhiên, dường như hiện nay tôi có cảm nhận nhiều học viên có cách hiểu khá biến dị nếu không muốn nói là ngộ lệch lạc về vấn đề được – mất này, cách họ hiểu Pháp lý thì đúng như không hiểu sao trong cách sử dụng của học viên lại có vẻ không đúng. Thực ra trong giai đoạn đầu thì tôi thể ngộ rằng giữ tâm tính cho vững trước khảo nghiệm là không dễ, rất nhiều khi người ta phải tự nhủ rằng “dù sao thì người ta cũng đang cấp Đức cho mình” chủ yếu là để cố gắng giữ thăng bằng trong tâm, tôi tạm gọi là tập Nhẫn để không phản ứng lại khi bị mắng chửi, đó cũng là giai đoạn họ đang trở thành người tốt rồi dần dần mới đi lên thành người tu luyện. Nhưng theo tôi thấy càng về sau thì có lẽ họ sử dụng Pháp lý đó như một hình thức Nhẫn nại và ép cái sự bất bình trong tâm họ xuống, nó khá giống với kiểu nhẫn của người thường. Cái tâm đó bị ép xuống, ép sâu vào trong tâm người tu chứ không có buông bỏ ra và cái suy nghĩ được người khác cấp Đức cho đó chỉ là cái cớ để họ che đậy tâm chấp trước mà thôi.

Tôi thử đặt ra vấn đề thế này, khi bị áp bức, bị khuất nhục trong hoàn cảnh không được phản kháng lại, buộc phải im lặng – giống như một nhân viên bị sếp mắng vô lý vì lỗi của người khác, nhưng nếu cãi lại thì có thể mất việc như chơi, mà người này thì lại đang rất cần việc, phải khó khăn lắm mới xin được việc đó, nên trong hoàn cảnh đó thì họ buộc phải nhẫn, kìm nén cục tức trong mình, ép cái sự bất bình đó vào trong và tự nhủ “Chẳng qua tôi đang cần việc chứ nếu không tôi có thể nạt thẳng vào mặt ông ta, hiện tại thôi không chấp ông ta làm gì”. Vậy thì so với việc học viên khi bị phản ứng thì cố gắng tự nhủ rằng “họ đang cấp Đức cho mình mà, sao phải so đo với họ?” thì nó có khác biệt gì không? Thực chất là học viên sử dụng Pháp lý về mất Đức, được Đức mà Sư Phụ dạy không phải để đề cao tâm tính, mà là che đậy nó lại, nếu lúc đó họ trực diện nhìn ra cái tâm của mình ví như là "Tại sao ông ta lại làm như vậy, đối xử bất công như vậy với mình? chắc hẳn là mình có tâm gì đó cần bỏ rồi, dù sao cũng vẫn phải cảm ơn ông ta, nếu không có ông ta thì sao mình biết mình có chấp trước này để bỏ" trong quá trình đó họ Nhẫn để không bị cái khó chịu trong tâm kiểm soát họ, tôi hiểu là Nhẫn phần Ma tính trong họ, ức chế nó lại (chứ không phải Nhẫn trong khi bực tức, uất hận) rồi sau đó suy nghĩ sâu xuống xem họ có cái tâm gì và nghĩ "hóa ra mình có tâm tật đố, có lẽ chính cái tâm này nó khó chịu nhưng nó phản ánh vào tâm mình làm cho mình tưởng mình đang khó chịu, vậy thì nó không phải là thuộc về bản tính tiên thiên của mình, mà là hậu thiên dưỡng thành, nó không phải là mình, vậy thì phải tiêu diệt nó thôi".

Vậy hỏi trong hoàn cảnh bị áp bức thì họ phải làm gì? Các mâu thuẫn xảy ra, như là bị ức hiếp, bị vu oan, hay bị ai đó chửi thực chất theo thể ngộ nông cạn của tôi từ việc học Pháp thì đều là Sư Phụ an bài nhắm đến các chủng loại tâm chấp trước của học viên để giúp họ nhận ra chấp trước mà đề cao tâm tính, hoàn cảnh được tạo ra theo tôi hiểu là do chính nghiệp lực của học viên tạo nên, Sư Phụ chỉ lợi dụng nó để moi cái tâm chấp trước ẩn giấu trong học viên ra. Lẽ dĩ nhiên, khi chưa có mâu thuẫn thì họ thấy tâm tính mình rất tốt, nhưng khi mâu thuẫn đột nhiên xảy đến thì họ bắt đầu khó chịu, bức bối, bất bình, tâm bắt đầu không yên, chẳng phải họ có chấp trước nên trong tâm mới khó chịu đúng không? Chính là cái tâm chấp trước đó nó khó chịu và phản ánh lên họ còn gì? Nhưng họ lại vẫn cứ nghĩ là mình đang khó chịu, thực tế là họ không nhận ra cái tâm đó đang điều khiển họ, họ chưa nhận ra họ với nó là khác nhau nên không buông bỏ nó đi được - tức là họ vẫn cho rằng họ nghĩ như vậy chứ không phân tách ra, cứ thế mà tiếp tục dung dưỡng cái tâm đó mà không bỏ đi; qua đó không đạt được yêu cầu về đề cao tâm tính.

Ví dụ trong hoàn cảnh nhân viên trên bị sếp mắng do lỗi của người khác? Việc bị mắng oan đó có ngẫu nhiên không? Chịu tiếng oan thì chẳng phải liên quan đến thể diện, đến cái tôi, không muốn mất mặt đúng không? Bị mắng oan chẳng phải liên quan đến tâm cầu lợi, tâm tật đố vì không muôn chịu thiệt, không muốn bị đối xử bất công, muốn truy cầu công bằng đúng không? Nếu giờ thử quay ngược tình huống mà được sếp khen vì công trạng của người khác mà mình được hưởng sái thì tâm thái sẽ thế nào? Có phải sẽ rất thoải mái đúng không? Tức là cái tâm kia chỉ muốn hưởng sự công bằng và lợi ích, chịu thiệt một chút là khó chịu, nó chả phải tâm chấp trước, là Ma tính đang khởi tác dụng là gì? Nhiều người nói rằng khi bị nạt nộ họ rất bình tĩnh, họ không có chấp trước gì? Chỉ là họ bỏ rất nhiều sức ra che đậy nó lại, kìm nén nó tốt nên họ nghĩ là họ bình tĩnh, thực ra nếu cái mâu thuẫn đó mà vượt quá sức chịu đựng kìm nén của họ thì họ sẽ lộ mặt thật ra ngay lập tức, tất cả những gì kìm nén trước đó sẽ bị họ phô ra hết, là vì họ không có buông bỏ nó đi, mà lại cố kìm nó lại, nó như một quả bomb hẹn giờ còn gì? Nhiều người trong cái xã hội này buộc phải nhẫn nhịn như vậy vì nhiều lý do, ví như chồng phải nhịn vợ khi vợ đang mang thai vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, người nhân viên phải nhịn sếp vì muốn được thăng chức v..v. Tức là họ truy cầu nhiều thứ và bị những thứ đó ràng buộc lợi ích nên họ tự ý thức để cố nhẫn lại, người thường vốn sống như vậy. Người tu thì phải bỏ nó đi, chỉ có là bình thường thì họ nghĩ họ tu tốt lắm, rất bình tĩnh, rất tốt, tâm rất hòa ái nhẫn nhịn, không đụng chạm khi gặp mâu thuẫn, theo tôi thể ngộ ra rằng ấy là họ nhầm to rồi. Tôi nghĩ là chấp trước muốn bỏ thì phải moi nó ra rồi trục nó khỏi tâm, tức là phải nhận thức ra được nó. Theo thiên kiến cá nhân của tôi thì tôi nghĩ chỉ cực ít người sinh ra mà chấp trước ít trong cái xã hội đang băng hoại rất nhanh về Đạo Đức này, những người đó thông thường nếu tu thì rất nhanh khai ngộ - bộ phận đó hồi trước năm 1999 ở bên Trung Quốc theo những gì tôi biết là có, nhưng không nhiều, còn đại bộ phận là rất nhiều chấp trước và phải tu gian khổ mới bỏ đi hết được. Bây giờ họ nghĩ là bình thường, là tốt nhưng khi đụng mâu thuẫn, đề cao tâm tính lên rồi ngoảnh đầu nhìn lại thì họ mới thấy chấp trước còn nhiều lắm!

Như vậy, khi một mâu thuẫn xảy ra thì theo quan điểm của tôi học viên thông thường nên nhìn nhận ở hai góc độ: (1) Sự việc bề mặt đó mình có gì sai? Có cần cải thiện trong tương lai hay không? (2) Mình có tâm chấp trước gì đang ẩn giấu mà không nhận ra được? Đáng lẽ phải cảm ơn người mà đã tạo ra hoàn cảnh để bản thân nhận ra tâm chấp trước, bởi nếu không an bài hoàn cảnh thì làm sao moi được tâm chấp trước ẩn giấu trong người tu ra được? Muốn moi nó ra thì phải có mâu thuẫn động chạm đến nó thì nó mới khó chịu mà phản ánh lên tâm người tu đúng không? - Thì đằng này họ lại lấy vấn đề về cấp Đức ra để tự nhủ bản thân, né tránh cái việc tìm ra chấp trước đó của họ, thay vì tìm ra vấn đề trong tâm thì ai đối xử không tốt với họ thì họ chỉ nghĩ đơn giản “mình đang được cấp Đức”. Họ không hiểu là cái mâu thuẫn kia xảy ra đó là do chính nghiệp lực của họ mà tạo nên, vậy nếu họ không đề cao tâm tính thì có nhận được Đức hay không? Giả như kiếp trước họ từng chửi bới người ta, đến bây giờ người ta chửi bới lại, nếu đề cao tâm tính thì là tận dụng tốt cơ hội, nếu lại né tránh nó thì hai người không được gì mất gì.

Mà bản thân Đức trong người tu theo thể ngộ của tôi từ việc học Pháp là phải tích rất rất nhiều kiếp mới được như hôm nay, bản thân một chút Đức đó tích được qua mâu thuẫn vụn vặt đó cũng vô cùng ít ỏi nếu không muốn nói là không đáng kể. Cho nên họ cho là tích Đức những nói thẳng là không bõ, lại mất đi cơ hội đề cao tâm tính, bởi đề cao tâm tính thì thân và tâm họ mới thay đổi từ căn bản, mới bỏ đi trong mình những thứ xấu, Sư Phụ đã chẳng từng giảng (tôi nhớ đại ý) chỉ một chút đề cao cảnh giới tư tưởng thì đã có những thứ xấu trong thân được loại bỏ bớt đi rồi (học viên có thể xem lại nguyên văn lời Sư Phụ giảng trong bài "Luyện Công vì sao không tăng Công" - Chuyển Pháp Luân)? Chúng ta là người tu luyện, tôi nghĩ là nên tập trung bỏ tâm chấp trước và đề cao tâm tính chứ không phải đi tích Đức, tích Đức chỉ là thứ của người không tu luyện vốn truy cầu đời sau sống tốt, người tu sao lại để tâm vào đó? mà Đức tích được cũng không đáng kể, lượng Đức để chuyển hóa thành công khi đề cao tâm tính là được tích từ rất rất nhiều kiếp rồi, chứ không phải mỗi kiếp này đâu. Tôi nhớ Sư Phụ có nói (đại ý, không phải nguyên văn) là người luyện công thì giảng thủ Đức, không giảng tích Đức (xem nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài "Người Đại căn khí" - Chuyển Pháp Luân) (Link). Theo thể ngộ nông cạn của tôi dựa trên bài giảng của Sư Phụ thì tôi hiểu được là lượng Đức tự có trong học viên đã đủ để tu thành rồi, chỉ là trong quá trình tu học viên mà tạo thêm nghiệp thì lại phải mất thời gian tiêu hết đi để chuyển hóa thành Đức nên phải thủ Đức để tránh làm điều xấu mà tổn Đức. Mâu thuẫn mà được an bài tạo ra theo tôi hiểu khi học Pháp thì thực chất là dựa vào nghiệp lực của chính bản thân học viên, nếu học viên đề cao tâm tính thì nó mới chuyển hóa thành công, còn nếu không tuy nhận được Đức từ người tạo ra mâu thuẫn kia nhưng chỉ là tích Đức giống như người thường mà thôi. Người tu là phải biến nó trở thành công, muốn vậy thì phải đề cao tâm tính qua mâu thuẫn.

Trong tình trạng tu luyện hiện nay, có những lúc học viên làm điều sai, ví như đang thực thi một cách cực đoan và có thể làm nhiều người hiểu nhầm về Pháp Luân Công, thì khi có học viên chỉ ra, có thể ngôn từ không được như ý họ muốn, bởi ai ai trong tâm cũng chỉ mong muốn được góp ý nhẹ nhàng, được tôn trọng, được vuốt ve v..v. Nhưng đó chả phải tâm truy cầu là gì? Mong muốn cái gì thì có phải truy cầu không? Thành ra khi gặp sự góp ý thẳng thắn và khá bộc trực thì họ trong tâm lại phản đối, lại cho rằng người ta đang cấp Đức cho mình mà không hiểu rằng người ta đang nhắc mình cần thanh tỉnh lại để tránh làm điều xấu mà tạo nghiệp. Những lúc đó bản thân người được nhắc nhở phải xem lại việc họ làm có đúng tạo ra vấn đề như người ta nói không? Nếu đúng thì giải quyết ra sao? Và trong quá trình bị nhắc nhở đó thì họ phát sinh ra các loại tâm chấp trước nào? Ví như tâm sợ mất mặt do cầu danh, tâm tranh đấu v..v. Đáng buồn là nhiều người thay vì xem xét một cách khách quan việc họ làm là đúng hay sai thì lại luôn tìm nhiều cớ biện bạch cho việc họ làm là đúng, như vậy là thủ giữ cái sai đúng không? Cho rằng mình luôn đúng? Có ngẫu nhiên hay không khi có ai đó chỉ ra lỗi sai cụ thể cho hành động của họ? Chỉ là họ vì cái tâm chấp trước che lấp mất lý trí nên dù có nhận ra cũng muốn né tránh nó, không muốn chấp nhận sự thật mà thôi.

Người tu luyện là tu từ người thường mà lên nên trong quá trình thực thi công việc liên quan đến Đại Pháp hỏi có tránh khỏi sai sót? Sai sót xảy ra là bình thường nhưng việc học viên không dám nhận sai mới là bất thường. Học viên muốn thủ Đức nhưng chỉ dựa vào bản thân thôi thì không đủ, bởi thế nào là xấu, thế nào là tốt cần phải nhìn nhận rất rộng, khách quan thì mới được. Một sự việc xảy ra thì nó tác động đến rất nhiều người, nên muốn biết nó tốt hay xấu thì phải căn cứ vào góc độ của người ta chứ không thể duy ý chí chủ quan tự nhận định hoặc áp đặt bừa được. Cho nên khi có người chỉ ra việc mình làm là có vấn đề thì cần phải xem xét lại, miễn là họ đưa được ra dẫn chứng cụ thể. Nếu chỉ ra sự sai lệch rõ ràng mà vẫn không sửa, lại cho rằng người ta soi mói, tạo thị phi hay cấp Đức cho mình thì chả phải đó là hành động thiếu lý trí còn gì? Nếu họ tiếp tục làm mà gây hậu quả thì không phải tích Đức, mà là tích Nghiệp!

Thực ra, ngoài việc lấy Pháp lý làm bình phong để né tránh mâu thuẫn ra thì trong học viên còn tồn tại nhiều dạng thức nữa, ví như lúc cần đề cao tâm tính thì họ lại cho là an bài của Cựu Thế Lực, học viên góp ý nhưng không đúng ý họ thì họ cũng coi là Cựu Thế Lực đang điều khiển học viên, thế là không những không nhìn lại để suy xét, tìm tâm chấp trước của mình thì học viên lại quay ra phát chính niệm giải thể Cựu Thế Lực đang thao túng học viên?!! Rồi khi họ làm hạng mục gì đó mà gặp khảo nghiệm, hơi khó khăn một chút thì họ liền phủ nhận an bài của Cựu Thế Lực? họ có phủ nhận nổi không?!! Chỉ là trò cười mà thôi, nguyên khó khăn đó tạo ra là do chấp trước của họ không bỏ, có khi họ đi sai ngay từ đầu nên mới tạo ra khảo nghiệm như vậy, thì thay vì tìm ra nguyên nhân gốc rễ tự thân thì họ lại … phủ nhận an bài của Cựu Thế Lực? Học viên mới tu chưa lâu cũng … phủ nhận an bài của Cựu Thế Lực? Đúng là hết chỗ nói rồi! Theo thể ngộ của tôi thì mới tu thì phải gặp mâu thuẫn để có hoàn cảnh mà đề cao tâm tính, thì không đề cao mà lại đẩy mâu thuẫn ra, hết nào là phủ nhận an bài, rồi là người ta cấp Đức cho mình v..v. Có học viên quá trớn hơn là khi gặp mâu thuẫn còn… phát chính niệm? Mâu thuẫn để đề cao tâm tính thì sao lại phát chính niệm? Không hiểu nổi hiện nay học viên tu kiểu gì? không những hiểu sai lệch Pháp lý mà có vẻ như toàn tìm cớ đẩy mâu thuẫn ra, trong tâm thì ép chấp trước vào trong mà không bỏ đi, như thế thì đâu có khởi tác dụng đề cao? Chả phải tu như không là gì?

Học viên hiện nay học Pháp như là để che đậy chấp trước thì đúng hơn chứ không phải là bỏ nó đi, hễ có hoàn cảnh mà đụng đến nó cái thì các dạng các loại Pháp lý được họ vận dụng đem ra để làm bình phong che đậy cái tâm đó đi. Như vậy chẳng phải tu sai lệch là gì? Những tưởng học Pháp sẽ làm họ có khả năng nhận biết ra chấp trước của tự thân để bỏ nó đi thì có lẽ họ lại sử dụng Pháp lý để lấp cái chấp trước đó đi một cách tinh vi hơn. Cùng là Pháp nhưng nếu cơ điểm tiếp cận không chính mà là để duy hộ cái gì đó của bản thân thì điều ngộ được không khéo sai lệch lúc nào không biết, có khi còn lý giải sai hẳn cả hàm nghĩa bề mặt. Theo thể ngộ của tôi thì ở một góc độ nào đó thì nó cũng giống như khi dùng thiên mục để nhìn, nếu tâm không truy cầu gì mà nhìn, tĩnh tĩnh mà nhìn thì là điều chân thực, hễ mà khởi cái tâm nào đó lên rồi nhìn thì điều nhìn được không còn chân thật nữa.

Trên đây là kinh nghiệm mà tôi thu được trong quá trình tu luyện bản thân, nó là quan điểm thể ngộ nông cạn cá nhân trong quá trình tu luyện Đại Pháp nên nếu có gì không đúng, rất mong nhận được sự góp ý.


 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

bottom of page