top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Lạm bàn về tác động của lời khen ngợi đối với bộ phận Ma tính của học viên

Đã cập nhật: 7 thg 1, 2019

[27/09/2018] NINH DƯƠNG

Trong lĩnh vực văn học, cố nhà văn Nguyễn Khải khi còn sống từng nhận xét, kiểu khen như tâng bốc, tôn vinh thành hiện tượng, tán dương quá đà là kiểu “khen cho chúng nó chết”. Bởi người được khen, nhất là người trẻ, rất dễ bị sa vào ánh hào quang của danh vọng. Nhẹ thì thui chột tài năng, nặng thì ảo tưởng. Cả hai đều đã và đang xảy ra trong đời sống sáng tác trong nước hiện nay. Nhiều cây bút trẻ sau một vài tác phẩm thành công, được tung hô, được tán dương, đã lạc lối. Thay vì nâng cao năng lực sáng tác, họ cứ bám lấy danh vọng những tác phẩm trước đó. Kết quả là sự xuất hiện của những tác phẩm giống nhau, nhàm chán và dĩ nhiên dần dần bị bạn đọc đào thải. Có người vượt qua được, tự cải thiện, tìm hướng đi mới, nhưng phần lớn rơi vào chán nản, suy sụp và rời xa con đường sáng tác.


Với người trong xã hội thì lời khen đã nguy hiểm như vậy thì với cộng đồng học viên tu luyện thì sao? Câu hỏi đặt ra là liệu lời khen có thực sự giúp học viên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) hưởng được lợi ích trong việc đề cao tâm tính hay không? Theo góc độ nhìn nhận của cá nhân tôi thì tôi cho rằng nó gần như không có mấy tác dụng, mà hiểm họa của lời khen mang đến thì lại rất kinh khủng.


Như chúng ta đã biết thì các đời vua trị vì bên Trung Quốc từ đời Minh, Thanh thì trong các nhóm quan lại chấp chính luôn luôn tồn tại những người mà lịch sử gán cho họ cái mác “nịnh thần”. Thời Minh Trị thì có Ngụy Trung Hiền cầm đầu đảng "hoạn quan" làm lũng đoạn triều đình. Còn thời Đại Thanh trị vì thì cũng có nhiều trường hợp giống như những gì được kể lại trong câu truyện truyền kỳ về bộ ba nhân vật là Vua Càn Long, Hòa Thân và Lưu Dung. Hòa Thân vốn lợi dụng sự sùng ái của Càn Long mà ra sức nịnh hót để che đậy việc tham nhũng với mức độ kinh khủng của mình, còn Lưu Dung (hay còn gọi là Lưu La Oa – tức Lưu gù) thì luôn luôn công chính đứng ra nói lời chính trực ngay thẳng, thậm chí lắm lúc còn khiến vua Càn Long giận tím mặt. Nhưng đến sau này chúng ta dựa trên góc độ của lịch sử mới thấy được việc dung túng cho nịnh thần như Hòa Thân đã gây họa loạn đến quốc gia ra sao. Có thống kê rằng riêng gia sản tham nhũng được của Hòa Thân phải bằng mười mấy năm thu thuế của vương triều Đại Thanh (khoảng 1.100 triệu lạng bạc). Bằng chứng Hòa Thân vơ vét của cải cho riêng mình và lũng đoạn triều đình thì vua Càn Long đều nắm rõ nhưng lại dung túng cho Hòa Thân toàn mạng không ai động đến được, chỉ đến khi đời vua Gia Khánh lên ngôi sau khi vua Càn Long thoái vị cùng với sự trợ giúp của Lưu Dung và các Đại Thần trung lương khác thì những tội trạng của Hòa Thân mới được phơi bày ra, gia sản của Hòa Thân bị tịch thu và xung công khố quốc gia.


Trong câu truyện về bộ ba nhân vật này đã cho thấy lời khen và xu nịnh dễ làm che mắt cái lý trí của một người, khiến họ lơ là cảnh giác, không còn giữ mình được cho ngay chính theo tiêu chuẩn của Thần đặt ra nữa. Thói tự mãn trong họ cũng dần dần được nâng lên theo, khiến họ cho rằng những gì mình làm là đúng, là nhất và ngoan cố không tiếp thu lời khuyến cáo từ bên ngoài. Ở đây do ảnh hưởng bởi lời xu nịnh của Hòa Thân mà tôi có quan điểm là vua Càn Long đã quá tự mãn khi coi thường Hòa Thân, tưởng rằng Hòa Thân luôn nằm trong tầm kiểm soát của vua Càn Long nhưng vị vua này lại không ý thức được mức độ ảnh hưởng tiêu cực của Hòa Thân đến tình hình trị an trong nước, khiến dân chúng tại nhiều địa phương có đê điều lầm than vì số tiền đắp đê bị quan lại tại đó vơ vét và cúng dường cho Hòa Thân, ngoài ra còn làm tình hình quan lại trong triều đình lục đục bất chính, tệ quan liêu tăng vọt, đó chẳng phải là hành vi dung dưỡng cho sai trái đó sao? Chẳng phải đi ngược lại tiêu chuẩn mà chư Thần đặt ra cho con người là gì? Ở một góc độ khác, chúng ta cũng dễ thấy được lợi ích từ những lời phê bình, can gián, những lời ngay thẳng, những lời đó tuy khó nghe nhưng thực sự là “thuốc đắng dã tật”. Bởi chính những lời nói công chính đó mới phá tan đi tầm ảnh hưởng của Ma tính trong tư tưởng một người, khiến nó không thể dễ dàng mê hoặc con người ta được nữa. Thực tế, sự khó chịu khi nghe lời can gián, phê bình theo thể ngộ của tôi lại không phải là bản tính của họ khó chịu, mà là cái tâm tự mãn, cái Ma tính kia đang điều khiển họ nó cảm thấy khó chịu và phản ánh vào tư tưởng của người ta, bởi nó biết nếu cứ để sự việc đó tiếp tục thì bản tính của người ta sẽ mạnh dần lên và quay ra phản kháng và bài xích nó, điều đó sẽ làm nó yếu đi, thậm chí bị tống khứ ra khỏi tâm người ta.


Như vậy, xét theo góc độ một người tu luyện, tôi thể ngộ rằng ai ai cũng có phần Phật tính và Ma tính trong người, và như Sư Phụ giảng trong bài “Phật tính và Ma tính” - Tinh Tấn Yếu Chỉ 1 (đại ý, không nguyên văn, học viên có thể xem lại bài giảng nguyên gốc của Sư Phụ dựa theo link đính kèm) rằng người ta làm các việc khi không có quy phạm và ước chế câu thúc của đạo đức thì là ma tính, còn tu Phật chính là trừ bỏ ma tính của người đó, bồi bổ Phật tính của người đó. Tôi thể ngộ ra rằng nếu bản thân một người tu luyện không giữ cái tâm của mình cho chắc thì sẽ bị Ma tính của chính họ buông lời dụ dỗ, mê hoặc họ để khiến họ làm ra các sự việc sai trái, họ muốn tu bỏ nó đi thì phải nhận ra các lời lẽ tà vạy đó của phần Ma tính của chính họ, bài xích nó để tiêu trừ nó dần dần, lúc đó phần bản tính của một người mới dần dần được hiển lộ ra nhiều hơn, cũng tức là nói phần Phật tính của họ đang mạnh dần lên.


Như vậy, hỏi lời khen sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến người tu luyện Pháp Luân Công? Sư Phụ từng giảng rằng (tôi nhớ đại ý, không phải nguyên văn) hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm (học viên xem lại nguyên văn lời Sư Phụ giảng trong bài “Người tu tự ở trong ấy” – Tinh Tấn Yếu Chỉ - Link). Tôi có thể ngộ nông cạn dựa trên lời giảng của Sư Phụ (nội hàm lời giảng của Sư Phụ còn rất rất lớn, thể ngộ của tôi là còn hạn chế lớn) là lời khen, lời xu nịnh, lời tán dương đó kỳ thực chính là để moi bộ phận Ma tính của học viên ra, để họ qua đó nhận biết mà trục bỏ nó đi. Nhưng vì là khảo nghiệm nên theo thể ngộ của tôi cũng có tồn tại nhân tố hoặc tu lên hoặc rớt xuống. Tôi cho rằng hễ đã để yên cho bộ phận Ma tính đó nằm yên trong tâm thì thôi, nếu đã động đến nó, moi no ra thì nó hệt như “quái vật” vậy. Nếu người tu lúc đó không giữ tâm cho chính, để nó tác oai tác quái đổ những ý nghĩ tà vạy lên tư tưởng đại não thì ắt sẽ bị nó kiểm soát rồi bị nó dẫn động ra làm các việc sai trái, lúc đó cũng có thể được coi như là rớt quan, không vượt qua được khảo nghiệm. Nếu người tu lúc đó giữ tâm cho chính, triệt để cảnh giác và bài xích với mọi lời dụ dỗ, tự mãn, xu nịnh mà nó đổ vào trong tâm để bơm thổi kiểu như “Mình sao làm tốt thế, mình quả là có năng lực tốt mà mình không nhận ra, mình quả là xuất sắc, không có mình thì làm sao việc này thực thi cho được v..v”, triệt để kiên trì tống khứ nó ra khỏi tâm thì nó sẽ yếu dần đi và tôi thể ngộ ra rằng bộ phận Ma tính đó sẽ được Sư Phụ giúp tống khứ nó ra sau khi học viên đã đạt tiêu chuẩn của khảo nghiệm, cũng tương đương học viên đã đạt đề cao tâm tính, tư tưởng đã thăng hoa lên rồi. Tất nhiên, theo thể ngộ của tôi thì bộ phận Ma tính vừa rồi chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ Ma tính mà học viên phải buông bỏ, tiêu trừ đi trong suốt quá trình tu luyện. Ở góc độ tu luyện, Ma tính muốn kiểm soát tư tưởng của người tu thì phải bơm thổi để người tu tưởng rằng mình nghĩ vậy, kỳ thực theo cái nhìn của tôi đó là "bơm đểu" - Vì sao? Vì học viên mà nghe theo lời xu nịnh tầm bậy của nó (Ma tính) thì sẽ bị nó làm cho rơi rớt trong tu luyện, thậm chí nguy hiểm hơn là nó khiến bản thân học viên đó tự làm những việc khiến hủy hoại bản thân mình và những người xung quanh.


Hiện nay tôi có để ý rất nhiều học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam có xu hướng hay khen ngợi nhau, khen nhau từ những chi tiết nhỏ nhất như dáng đi, điệu cười, cách ăn vận, lời nói, tư thế luyện công v..v. Kỳ thực theo tôi là họ đang làm hại lẫn nhau, tại sao nói như vậy là vì khen nhau như thế rất dễ làm học viên tự hình thành cái ý nghĩ ảo tưởng về khả năng tu luyện của họ lên, khiến họ không còn giữ tâm mình trên mặt đất mà cảnh giác với Ma tính của mình nữa. Tâm người tu mà mất cảnh giác thì Ma tính sẽ bắt đầu phát tác và dần dà kiểm soát tư tưởng của người tu, tâm khoe khoang, hiển thị, tự mãn bắt đầu theo đó mà tăng trưởng, nếu cứ tiếp tục khen nhau mà không nghiêm túc nhìn lại thì hệ quả tất yếu sẽ là “tự huyễn bản thân” hoặc như người trong xã hội nói rằng người đó bị "ảo tưởng sức mạnh" – tôi nghĩ đó cũng là một dạng thức Tự Tâm Sinh Ma. Lúc đấy học viên tự cho rằng mình tu cao lắm rồi, những gì mình nói, mình làm là đúng chuẩn hết, học viên khác mà can ngăn, góp ý là không được, vì sao? Vì lúc đó cái tâm tự mãn, cái tâm háo danh của họ nó đã quá mạnh đến mức kiểm soát gần như toàn bộ tư tưởng của họ, bản tính của họ đã bị ức chế đến rất yếu nên không xuất ra được mấy nữa. Tôi thể ngộ được rằng lúc đó là học viên đang góp ý với phần Ma tính trong họ chứ không phải phần tu lý trí của họ nữa, đương nhiên nó sẽ phản ứng khó chịu, bực bội vì lời công chính sẽ làm nó bị yếu đi, nó e sợ phần lý trí của học viên mạnh dần lên và bài xích nó, tôi nghĩ nó cũng như nghiệp lực sợ bị tiêu diệt nên nó sẽ kiểm soát tư tưởng của học viên đó cho bằng được. Học viên khi ngồi đả tọa thì nghiệp lực công xuống chân họ thì có thể khiến họ cảm thấy rất đau và khó chịu, Sư Phụ giảng rằng (đại ý, không phải nguyên văn) khi đau chính là nghiệp lực bắt đầu bị tiêu (học viên xem lại nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài “Chuyển hóa nghiệp lực” – Chuyển Pháp Luân , từ khóa “bắt đầu bị tiêu” - Link ). Thì tôi thể ngộ rằng muốn tiêu trừ cái bộ phận Ma tính kia đi thì cũng ắt phải chịu đau, hỏi đau ở đâu? Tôi thể ngộ rằng nó sẽ “đau thấu tâm can” – chính là đau cái tâm của mình, cái tâm ở đây chính ở góc độ tâm tính là trong tư tưởng khi phải khổ cực bài xích Ma tính và nếu ở góc độ hữu hình thì là ngay tại quả tim của mình, nói vui là lúc đang trong mâu thuẫn thì tim đập thình thịch, rất khó chịu và như bị nhói mạnh vậy (tất nhiên đó chỉ là căn cứ dựa trên hiểu biết nông cạn của tôi, sự tình thực chất tại không gian khác có thể không hoàn toàn như vậy).


Do đó, tôi nghĩ học viên đừng nên tùy tiện khen nhau, kỳ thực những gì học viên làm được, thành tựu được cũng là do Đại Pháp ban cho, nếu không có Sư Phụ giảng Pháp rõ ràng cho học viên, thậm chí còn âm thầm lặng lẽ giúp đỡ, bảo hộ, tiêu nghiệp, điểm hóa và cân bằng nợ cho học viên thì tôi thể ngộ được rằng nếu chỉ dựa vào mỗi việc đề cao tâm tính của học viên thì cũng rất khó mà đề cao lên được. Mỗi tầng mà học viên khi đề cao lên đó ngoài việc đạt tiêu chuẩn tâm tính mà tầng Pháp vũ trụ tại đó đặt định ra thì tôi thể ngộ rằng Sư Phụ còn phải giúp họ giải quyết rất nhiều thứ khác nữa, giả sử học viên từng mang nợ với sinh mệnh cao tầng tại đó thì phải làm sao? Hỏi họ có chấp nhận cho phép học viên đề cao lên không? Tôi thể ngộ rằng nếu không phải Sư Phụ thay học viên mà thanh toán khoản nợ đó thì tự học viên có đề cao lên được không? Do đó, bản thân người tu Đại Pháp nên hiểu rằng những gì mình làm được ở không gian bề mặt này nếu không có Đại Pháp, không có Sư Phụ gia trì, giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp đằng sau tại rất nhiều không gian khác thì giữ an toàn cho sinh mệnh bản thân mình thôi còn khó huống là tu luyện thành tựu? Những gì mình làm được bao giờ cũng phải đặt ở vị trí thứ yếu, còn tiêu chuẩn Đại Pháp, yêu cầu của Đại Pháp, trách nhiệm duy hộ Đại Pháp luôn phải đặt hàng đầu. Vì không có Đại Pháp khai sáng thì không có những thành tựu đó, Đại Pháp chính là gốc rễ của mọi thứ mà học viên có, nếu mà đem những thứ thành tựu của mình, do tâm tự mãn, khoe khoang mà dám đặt lên cao hơn cả Đại Pháp, xem thường tiêu chuẩn và nguyên tắc Đại Pháp thì tôi nghĩ họ bắt đầu đi đến nguy hiểm rồi.


Tôi nghĩ rằng giữa các học viên Pháp Luân Đại Pháp chỉ nên đàm luận về các vấn đề liên quan đến như phương pháp nhận biết để bỏ Ma tính, chấp trước, ai có nhận thức về phương diện tâm tính nào thì chia sẻ kinh nghiệm ra. Còn việc ai đó vượt quan hay không thì đừng tùy tiện khen ngợi nhau, tôi nghĩ học viên rồi sẽ làm hại họ. Cách dễ nhất để kéo một người tu luyện rớt xuống đó là bơm thổi cái tôi, cái tự cao, cái tự đại của họ lên, càng khen ngợi, càng nâng họ lên cao thì tâm tính họ càng mất cảnh giác, Ma tính càng bộc phát, cái tôi tự mãn cho rằng họ là đúng, là nhất, là cao minh càng lúc càng phát tác và họ càng dễ rớt xuống. Học viên cũng phải nhận thức rõ là để họ vượt được quan thì Sư Phụ đã phải giúp đỡ họ rất nhiều, chỉ là Sư Phụ không hiển lộ ra cho học viên thấy thôi, do đó tôi nghĩ chúng ta nên trân quý cơ hội khi đang được tu trong Đại Pháp, nếu khen thì nên dành tặng lời kính ngưỡng đó dâng lên Sư Phụ vì tôi nghĩ Sư Phụ đã phải thay học viên đó giải quyết nhiều việc thì học viên đó mới đề cao lên nổi. Nhưng cá nhân tôi có thể ngộ nông cạn rằng Sư Phụ không cần những lời khen bề mặt sáo rỗng đó mà cái Sư Phụ muốn nhất chính là học viên phải tự ý thức tu luyện chân chính thì những khổ cực của Sư Phụ bỏ ra mới không uổng phí. Tôi thấy rất nhiều học viên thấy ai đó có danh tiếng trong cộng đồng, làm được nhiều việc, vượt quan rất tốt thì như là tôn họ lên làm thần tượng, làm chuẩn mực cho tu luyện của bản thân vậy, khen ngợi họ không ngớt, kỳ thực tôi nghĩ những người đó là đã “mất căn bản”, “thấy cây mà chẳng thấy rừng”. Kỳ thực lúc đó là họ đã đặt thần tượng của họ lên trên Đại Pháp rồi. Tại sao cùng một Pháp mà Sư Phụ giảng mà học viên không tự bỏ công phu để tu cái tâm của mình, bài trừ Ma tính đi mà lại quay sang nhìn theo và ca ngợi người khác tu luyện? Họ vừa là làm hại những người đó, vừa không tôn trọng những gì mà Sư Phụ đã âm thầm chịu đựng để học viên đó có thể đề cao lên được.


Trên đây là thể ngộ của tôi về tác động của lời khen ngợi đối với sự phình đại Ma tính của người tu luyện, do thể ngộ hữu hạn nên sẽ khó tránh sự hạn chế bởi nội hàm của Đại Pháp mà Sư Phụ giảng là vô biên, những gì tôi nói ra ở tầng sở tại này nếu có sai sót hoặc cần bổ sung rất mong các học viên từ bi góp ý.


 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.

bottom of page