Lời dẫn:
Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là một vấn đề rất nghiêm túc, theo thể ngộ nông cạn của tôi thì không những bản thân các học viên cần phải vững tu theo Pháp mà Sư Phụ giảng để bài trừ tâm chấp trước mà họ cũng phải rất cẩn trọng với chính cái tâm của mình, cẩn thận với từng ý nghĩ nảy sinh trong đầu vì chỉ cần sơ xảy không lý trí mà bị Ma tâm lèo lái sáng tạo ra những thứ khác lạ để hiển thị, khoe khoang trong các học viên thì nguy cơ tự hủy hoại chính mình là rất lớn, vì lúc đó chính là lúc họ đã vô tình khởi tác dụng của Ma phá hoại Đại Pháp, khiến tạo ra can nhiễu vào chính tín của các học viên khác đối với Đại Pháp mà Sư Phụ đã giảng. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ các học viên không lý trí xếp đặt cho chính vị trí của Đại Pháp trong tâm mình mà tu theo người khác, làm theo người khác cũng khiến tình hình trở nên càng ngày càng nghiêm trọng.
Nội dung:
Thời gian gần đây trong cộng đồng các học viên Pháp Luân Công có lan truyền nhau một loại nội dung được viết trên giấy và lời khuyên đính kèm là các học viên nên đọc niệm, thậm chí học thuộc mọi lúc mọi nơi sẽ tốt. Thông tin được truyền ra xuất phát từ một người phụ trách điểm giảng thanh chân tướng tại Hạ Long nói rằng do người này đã khai thiên mục nên thấy nhẩm niệm hay học thuộc những thứ đó là rất tốt.
Trước tiên, ở góc độ thể ngộ cá nhân thì tôi xin nhấn mạnh rằng: những gì mà bất kỳ một học viên nào chia sẻ ra, nói ra v..v thậm chí dù các học viên khác có thấy hay, tốt, hợp lý v..v thì nó cũng là xuất phát ra từ Đại Pháp mà Sư Phụ giảng. Do họ tu luyện nên mới được Đại Pháp ban cho trí huệ, cái gốc là từ Đại Pháp nên nếu đem những thứ chia sẻ, thể ngộ của học viên khác (không cần biết đúng, tốt thế nào) ra để làm chỉ đạo, thậm chí còn được các học viên đem ra đặt ở vị trí cao hơn so với Đại Pháp thì kỳ thực những người này có thể khẳng định là “mất gốc”, "uống nước nhưng lại không nhớ nguồn". Riêng ở điểm này mà cái tâm của họ không sắp xếp cho đúng thì chưa cần biết nội dung chia sẻ kia ra sao thì cũng đã đi sang đường tà rồi. Tất cả mọi thứ đều là từ Đại Pháp ban cho, học viên lại xem nó như bản sự hay xem nó là thứ còn cao hơn cả Đại Pháp, có thể họ không thừa nhận nhưng hành vi đem những thứ đó để học thuộc hay đọc niệm đã thể hiện rõ loại hiện tượng thiên lệch này.
Tiếp theo, những gì mà học viên khác khai thiên mục thì không hẳn phản ánh rõ ràng những gì thực sự diễn ra ở không gian khác. Họ vẫn còn đang tu trong mê, tôi thể ngộ nông cạn rằng dẫu có là tu tiệm ngộ mà tâm không giữ cho chính thì cái mà họ nhìn được rất nhiều khi lại là huyễn tượng do tâm của họ tạo ra, tôi nhớ Sư Phụ đã giảng về vấn đề này trong bài "Tự Tâm Sinh Ma" - Chuyển Pháp Luân - từ khóa "tùy tâm nhi hóa". Nếu họ không cẩn trọng mà lại thích đi khoe khoang hiển thị thì Ma ở không gian khác, cựu thần sẽ nắm chặt vào cái sơ hở này mà thuận theo cái chấp trước của họ mà diễn hóa ra nhiều thứ sai lệch hơn nữa. Do hạn chế về tầng nên những gì họ nói ra không thể đem ra làm chuẩn mực bởi nếu không họ sẽ bị cựu thần và chính Ma tâm của họ lừa mà phạm tội phá hoại Đại Pháp. Hơn nữa, họ dám khẳng định những gì họ nhìn thấy là đúng đắn hoàn toàn và bảo học viên khác làm theo thì kỳ thực tôi nghĩ rằng cái tâm tự mãn của người này cũng không nhỏ đâu. Đến Cựu Thần còn vì hạn chế về trí tuệ của vũ trụ cũ, họ tự cho rằng họ đúng mà làm ra các hành vi can nhiễu đến Chính Pháp thì hỏi một người đang trong quá trình tu luyện, còn nhiều tâm chấp trước mà dám cho rằng những gì mình nhìn thấy là đúng tuyệt đối thì có nguy hiểm hay không? Hơn nữa, họ làm vậy cũng là can nhiễu đến việc tu luyện của các học viên khác, làm ảnh hưởng đến chính tin của họ đối với Đại Pháp, khiến họ quay sang sùng bái người đó chứ không tuân theo Pháp lý của Đại Pháp. Trường hợp này tôi thấy khá giống với một trường hợp mà Sư Phụ từng giảng trong Chuyển Pháp Luân về Pháp môn giả trong bài "Công Pháp Phật gia và Phật giáo" - từ khóa "tôn giáo mới".
Hơn nữa, những gì học viên đó nói ra đều là do Sư Phụ giảng thì họ mới biết, nguyên gốc là không phải tự họ nghĩ ra được, do đó có vấn đề “bản quyền” ở đây. Khi họ nói những thứ đó thì ắt phải ở trong Pháp, nhưng ở trong Pháp rồi thì rõ ràng họ phải nói rõ đó là Sư Phụ giảng như vậy hay trong sách có nội dung như vậy. Tôi nhớ Sư Phụ từng giảng (đại ý, không phải nguyên văn) rằng nói như vậy thì mới mang theo lực lượng của Đại Pháp. (học viên xem nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp truyền công như thế nào” Chuyển Pháp Luân – từ khóa “lực lượng Đại Pháp”). (hoặc tham khảo Điều I, Phụ Lục II Đại Viên Mãn Pháp). Do đó, đem đoạn chương thủ nghĩa lời giảng của Sư Phụ hay nói ra như thể đó là Pháp của Sư Phụ mà tách rời khỏi Đại Pháp do Sư Phụ giảng thì đó không khác gì tội trộm Pháp. Học viên lan truyền nhau những thứ này thì cũng không khác gì gián tiếp ủng hộ cho hành vi trộm Pháp.
Ngoài ra, nếu càng nhiều học viên nghe và làm theo học viên đã khai thiên mục kia thì chẳng phải là học viên đang tu theo người ta? Nếu một học viên tu luyện Đại Pháp mà không thể tuân theo Đại Pháp mà tự bước đi trên con đường của chính mình mà lại cứ nghe theo răm rắp lời của học viên khác nói (kể cả người tu lâu hay người nổi tiếng trong cộng đồng học viên) thì kỳ thực nó không khác gì cái tâm bất kính đối với Sư Phụ. Chẳng phải như vậy sao? Pháp mà Sư Phụ giảng thì họ đâu có dựa vào đó để ngộ, để làm chỉ đạo, để tuân theo mà họ toàn là nghe theo người khác nói đó chứ? Bề mặt thì họ vẫn là học Pháp, đọc rất nhiều, nhưng cứ đến lúc then chốt thì họ lại đi tìm học viên khác để tìm hướng giải đáp chứ không phải là dựa vào Pháp. Nếu mà càng như thế thì tôi có thể ngộ nông cạn dựa trên Pháp lý mà Sư Phụ đã giảng thì có thể sẽ có một vài loại trường hợp xảy ra (có thể còn có các trường hợp khác nữa nhưng ở đây tôi chỉ xin đưa ra 02 trường hợp chính):
1- Trong kinh văn tôi nhớ Sư Phụ từng giảng về vấn đề này, (không phải nguyên văn) đại ý là cựu thần cho những người đó đột nhiên tử vong để xem cái tâm của các học viên đang tu theo kia phản ứng ra sao? (học viên xem lại nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010 – từ khóa “rời đi sớm”). Tôi thể ngộ nông cạn rằng nếu một người tu nào đó được các học viên khác nghe theo kia mà vẫn tu chính, thì rất có thể họ sẽ được cựu Thần cho “ra đi” sớm. Tôi nghĩ có thể chính vì họ quá ỷ lại vào các học viên kia nên giờ cựu Thần cho vị đó rời đi sớm để xem những người kia có tiếp tục tu hay không? Để xem những gì mà họ tu được từ trước đến nay có thực sự vững chắc hay không?
2.- Một trường hợp nữa cũng có liên quan mà tôi nhớ Sư Phụ đã từng giảng, học viên có thể xem tại bài giảng Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles - từ khóa"rơi rớt xuống". Tôi thể ngộ nông cạn dựa trên Pháp mà Sư Phụ giảng rằng nếu người tu được các học viên khác nghe theo kia mà tu không chính, thì rất có thể họ sẽ được cựu Thần “ưu ái” chiếu cố đầu tư nhiều hơn bình thường - vì trong trường hợp này có thể bên trên thấy cả một lô lớn học viên tu sai lệch chứ không phải chỉ một người, có thể họ sẽ dốc hết sức làm họ - (người được nhiều học viên tu theo kia) trượt ngã, đổ vào đầu họ những ý nghĩ tà vạy rồi dần dần làm ra những hành vi phá hoại Đại Pháp. Trong hoàn cảnh này, các học viên khác mà không thanh tỉnh, cứ nghĩ học viên kia làm gì thì cứ làm theo vì mặc định họ “Auto-Đúng” hay là “Chuẩn- set as Default” vì trước đây họ có cống hiến thế này thế khác thì tôi nghĩ trường hợp này không khéo là xuống hố cả một lô học viên chứ không ít. Thường thường theo hiểu biết nông cạn của cá nhân của tôi thì để đạt mục đích sàng lọc học viên thì bên trên sẽ khiến cho những học viên nổi tiếng kia trượt ngã nhưng lại không dễ để nhận ra vì họ che đậy rất kỹ cái sai của họ. Có thể trước đó còn đã an bài tạo ra cho những người nổi tiếng kia một số thành tích làm “mồi nhử” cho các học viên khác tin theo sái cổ (tức là thành tích họ làm được trước đây cũng đều là cái bẫy được an bài sắp đặt từ trước để tạo danh tiếng và uy tín cho họ và đến bây giờ khi họ tu rơi rớt thì rất khó phát hiện ra được).
Do đó theo thể ngộ nông cạn của tôi thì không nên nghĩ là cứ ỷ lại vào học viên lâu năm là sẽ tu lên tốt, có thể đó chính là bẫy và cũng là sơ hở rất lớn mà nếu không bỏ đi thì sẽ bị cựu Thần dùi vào. Bản thân học viên tu lâu, có nhiều đóng góp cũng không nên tùy tiện cho rằng mình là thế này thế khác mà khởi tâm tự mãn rồi thích đi dẫn dắt học viên khác vì tự cho mình là tu tốt rồi, bởi vì đã có quá nhiều trường hợp trước đây tu rất tốt về sau đi sang phản diện, thậm chí mất mạng rồi. Tôi cho rằng mọi thứ họ có đều do Sư Phụ ban cho, họ nên khiêm nhường và bỏ đi cái tôi của mình, đừng nên để cái tâm lý tự mãn lên quá cao nếu không là họ đang thực sự gặp nguy hiểm rồi. Đối với các học viên khác, tôi nghĩ chỉ có thể khuyến thiện và góp ý cảnh báo với họ, còn việc tu của họ thì thực tế theo thể ngộ nông cạn của tôi - không ai có thể thay họ làm được chứ đừng nói là dẫn dắt họ.
Tất nhiên, việc tu của họ thì không ai làm thay được nhưng nếu thấy họ làm sai, tu lệch lạc thì phải lên tiếng nhắc nhở, can ngăn, cảnh tỉnh họ bởi nếu không rất dễ họ sẽ vì tu sai lệch mà gây họa cho bản thân họ và thanh danh Đại Pháp bởi tôi nghĩ rằng người ngoài sẽ nhìn vào hành vi trong quá trình tu luyện của học viên để đánh giá về Đại Pháp là tốt hay xấu. Đây là vấn đề liên quan đến duy hộ thanh danh Đại Pháp, không để người thường nghĩ tiêu cực về Đại Pháp để rồi mất cơ hội đắc cứu chứ không còn thuộc về phạm trù tu luyện cá nhân của một người nữa nên rõ ràng là phải nói, phải lên tiếng. Vậy mà hệ thống tu loạn bậy PĐV-LLV kia lại tuyên truyền trong học viên rằng "không nên quản việc tu của người khác, đều có Sư Phụ quản"? Đó chả phải ngụy biện lấy Pháp và Sư Phụ ra làm bình phong? Vậy học viên làm sai, gây hậu quả cũng là do Sư Phụ quản - ấy vậy mà Pháp Sư Phụ giảng thì họ đâu có nghe, đâu có làm theo, họ làm theo chỉ đạo định hướng của hệ thống tu loạn bậy kia đó chứ? đó chẳng phải lối nói đổ hết mọi tội lỗi lên Sư Phụ đó sao? Chẳng phải là bất kính là gì? Thấy họ làm sai thì phải có trách nhiệm nhắc chứ đâu phải là quản họ, hệ thống loạn bậy kia lại đánh đồng việc quản = "không nhắc gì hết, để kệ họ làm gì thì làm", quả là quá ghê sợ!
Mỉa mai thay, bản thân hệ thống đó nói là "không quản việc tu của người khác" nhưng lại luôn luôn định hướng học viên làm theo tư tưởng của mình, ai mà dám nói ngược hoặc dám phản đối thần tượng, người nổi tiếng cái là y như rằng sẽ bị cả "phi đội" chụp mũ "tranh đấu, thị phi, tà ngộ, không hòa vào chỉnh thể, gây mâu thuẫn" các kiểu, nếu không nghe theo chỉ đạo của hệ thống PĐV-LLV đó thì sẽ bị cô lập, bị cách li không cho tham gia hạng mục v..v. Tôi thấy hệ thống bạch tuộc đó chẳng phải là đang ngầm "quản" học viên đó sao? Thế mà họ vẫn dám mạnh miệng nói là "đừng quản việc tu của người khác" - quả là nói nhưng không biết ngượng mồm!
Thực ra tôi nghĩ hàm ý từ "quản" mà họ - hệ thống loạn bậy kia thực sự muốn nói là đừng "quản" chuyện của họ dẫn dắt học viên - tức là đừng quan tâm, đừng soi mói, đừng phơi bày cái sai của họ ra, với một số thành phần trà trộn phá hoại Đại Pháp thì "đừng quản" còn có nghĩa là - "đừng động đến nồi cơm, cần câu cơm" của họ, hãy để yên cho họ còn kinh doanh hút máu học viên nhẹ dạ cả tin. Vậy học viên thấy cái sai, cái ảnh hưởng đến Đại Pháp, thậm chí gây phản cảm trong xã hội thì có phải lên tiếng hay không? Trong trường hợp này mà không "quản" thì cá nhân tôi nghĩ họ không nên tu luyện làm gì nữa, vì khi mắt thấy thanh danh Đại Pháp bị bôi nhọ, học viên bị dẫn đi sai lệch, người trong xã hội phản cảm với hành vi của học viên rồi nghĩ xấu về Đại Pháp mà còn không quan tâm nữa thì tu luyện làm gì, họ vào tu chỉ để hưởng lợi từ Đại Pháp thôi chăng? Học viên tại Việt Nam giảng chân tướng về cuộc bức hại tại Trung Quốc thì rất hăng, nhưng hiện tượng bức hại học viên trong chính cộng đồng tu luyện tại Việt Nam do cái hệ thống bạch tuộc PĐV-LLV kia gây nên thì lại lờ đi không quan tâm, quả là quá hài hước và mỉa mai thay.
Một ví dụ điển hình của việc học viên tuy đọc rất nhiều sách Đại Pháp nhưng khi thực hành thì lại ... theo học viên lâu năm mà chẳng cần cân nhắc điều đó có đúng với Pháp hay không?
Quay trở lại vấn đề chính, trong cả hai trường hợp tu theo người tu lâu năm được kể trên thì tôi thể ngộ rằng bản chất là các học viên tự hại lẫn nhau do tâm bất chính chiêu mời đến. Một bên thì do tâm hiển thị, tâm tự mãn, thích các học viên khác nghe theo mình; Một bên thì do không xếp đặt cho chính vị trí của Đại Pháp trong quá trình tu luyện và chứng thực Pháp. Chính là vì học viên không tu theo Pháp mà Sư Phụ giảng mà tu theo người khác, phạm vào tội bất kính với Đại Pháp, coi thường Đại Pháp và coi thể ngộ của học viên khác còn đúng đắn hơn cả Đại Pháp nên cựu Thần mới dùi vào sơ hở đó để đào thải những học viên không hợp cách theo quan điểm của họ. Kỳ thực, tôi nhớ Sư Phụ từng giảng (đại ý, không phải nguyên văn) rằng cựu Thần lại là rất tôn kính đối với Sư Phụ, Sư Phụ cũng nói rõ (đại ý, không nguyên văn) rằng hễ thấy học viên bất kính với Sư Phụ thì cựu thần sẽ hạ thủ tàn độc. (học viên search từ khóa "tôn kính tôi" trong Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)
Kết luận:
Sư Phụ đã từng giảng rất rõ việc tu luyện Đại Pháp là việc nghiêm túc phi thường (học viên search nguyên văn lời giảng của Sư Phụ trong bài “Vấn đề hữu sở cầu” – Chuyển Pháp Luân, từ khóa “phi thường”). Theo thể ngộ nông cạn của tôi dựa trên lời giảng của Sư Phụ (thể ngộ của tôi còn rất hạn chế, nội hàm của Pháp do Sư Phụ giảng là vô biên) thì tôi nghĩ rằng nếu các học viên mà vẫn không ý thức được tính nghiêm túc trong tu luyện cũng như tuân theo đúng những gì Sư Phụ đã căn dặn không được làm, trường kỳ giữ tâm cho chính thì rất có thể sẽ uổng phí hết công phu tu luyện từ trước đến nay thậm chí từ hằng xa xưa khi phát thệ xuống đây. Tôi nhớ rằng Sư Phụ đã giảng rất rõ những vấn đề này trong bài “Tâm lý hiển thị”, thậm chí Sư Phụ đã chỉ rõ các hiện tượng sẽ xảy ra, tại sao học viên học Pháp nhiều nhưng vẫn cứ lơ mơ, hồ đồ như vậy? Chẳng lẽ họ chỉ đọc nhưng không học? Thời gian Chính Pháp sắp kết thúc, nếu cứ tu kiểu này e rằng đến phút cuối họ có muốn hối hận cũng muộn rồi.
Những gì được chia sẻ bên trên đều là thể ngộ từ tầng thứ sở tại của tôi, đều là nhận thức trong quá trình tu luyện Đại Pháp. Thể ngộ của tôi chắc chắn vẫn còn hạn chế vì nội hàm của Đại Pháp là vô biên. Nên nếu có gì chưa đúng hoặc cần bổ sung, rất mong nhận được sự góp ý của các học viên.
BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.