top of page
Ảnh của tác giảEditorial Board

Sự nguy hại về việc hồng Pháp không lý trí hiện nay của một bộ phận học viên Việt Nam

Đã cập nhật: 27 thg 8, 2020

[21/02/2018] Đông Lai


Từ khóa: #"Pháp Luân Công", #"Pháp Luân Đại Pháp", #"Khỏi bệnh", #"Khỏi bệnh thần kỳ", #"Hồng Pháp không lý trí", #"Hồng Pháp".

Lời dẫn:


Việc một người đắc được một thứ gì đó tốt, nhất là những thứ tốt đó liên quan đến sức khỏe hay những gì đó có giá trị thì lẽ tất yếu họ sẽ muốn người thân hay người xung quanh họ cũng đắc được những thứ tốt đó. Giống như một bà mẹ bỉm sữa biết được một phương pháp trị cảm cúm cho con nhỏ trong dịp thời tiết lạnh rét thì ắt có xu hướng chia sẻ cho những bà mẹ khác xung quanh như là qua đồng nghiệp, anh chị em v..v. Điều này vốn dĩ là bình thường đối với một người sống trong xã hội. Nhưng với học viên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì không hẳn là đơn giản như vậy.


Nội dung:


Đối với học viên tu luyện Đại Pháp, Sư Phụ có giảng rằng người tu luyện chân chính sẽ được “thanh lý thân thể” (Học viên xem lại bài "Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp" - Chuyển Pháp Luân). Nhưng nhìn ở góc độ người không tu luyện, theo quan điểm của tôi thì họ có thể rất dễ cho rằng đó là "chữa bệnh". Tôi nghĩ rằng vì đó là một trong những điều kiện cần để người ta có thể tu xuất ra công, nếu không với một thân thể đầy bệnh vốn do nghiệp lực tự thân của họ thì hỏi có đủ điều kiện nền tảng để có thể tu luyện lên được không? Danh từ Sư Phụ cũng nhấn mạnh rõ không nói là “trị bệnh”, mà là "thanh lý thân thể" (xem lại bài "Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp" - Chuyển Pháp Luân), theo thể ngộ của tôi là để giúp học viên có thể tu luyện lên cao tầng. Do đó, những sự việc này theo tôi thấy thì về bản chất khác hoàn toàn với các phương pháp chữa bệnh nơi xã hội người thường - Tức là nó trực tiếp giải quyết cái căn nguyên của bệnh kia chứ không ẩn hoặc dời thời điểm nó phát tác ra. Do vậy, chẳng phải đây vốn là điều siêu xuất khỏi người thường? Vì thế, nên ở nơi Pháp lý cõi người chi phối mà lại tùy tiện đi công khai nói với người thường rằng cứ tập theo Pháp Luân Công sẽ khỏi bệnh (điều vốn cao hơn Pháp lý cõi người) thì tôi cho rằng - đó vốn là một hành vi phá hoại Đại Pháp cũng như làm loạn xã hội người thường hay làm loạn cõi mê này.


Ở một góc độ khác, tôi thấy những cách làm trên không khác gì một trường hợp mà Sư Phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân (đại ý, không phải nguyên văn) là ai đó cứ đi trên đường phố lớn vừa cầm cuốn sách của Sư Phụ vừa đi vừa hét to lên rằng: “Có Sư Phụ Lý bảo hộ thì không sợ xe hơi đâm” (bài "Sư Phụ cấp gì cho học viên" - Chuyển Pháp Luân). Vậy so với việc giới thiệu oang oang lên rằng "Tu luyện Pháp Luân Công có thể chữa bệnh nan y" thì có gì khác nhau hay không?



Học Pháp Luân Công để chữa tự kỷ sau sinh?




Khỏi cả ung thư nhờ Đại Pháp? Dám tùy tiện quảng bá những thứ siêu thường nơi xã hội người thường chả phải đang phá hoại Đại Pháp là gì?




Quảng bá Pháp Luân Công kiểu hiệu quả trị bệnh như vậy liệu có khác mấy với các dạng quảng cáo thẩm mỹ, lừa đảo trị bệnh nơi xã hội hay không? Chả phải đang cố tình hạ thấp Đại Pháp chỉ như một loại sản phẩm trị bệnh tầm thường nơi con người hay sao?


Đem những vấn đề "trị bệnh" lồng ghép vào hoạt động hồng Pháp, chứng thực Pháp có thể rất dễ tạo ra nhiều vấn đề tiêu cực:


- Dễ bị người thường trong xã hội có cớ chụp mũ, bài xích


Tôi có được biết ở bên phương Tây các học viên chỉ nói về phương diện trở thành người tốt, rằng tu theo Pháp Luân Công khiến họ cởi mở hơn, khoan dung hơn chứ không bao giờ họ đi quảng bá theo kiểu “tập Pháp Luân Công sẽ khỏi bệnh HIV/ADIS”, “tập Pháp Luân Công khỏi bệnh nan y”, "tập Pháp Luân Công không cần uống thuốc" hay “tập Pháp Luân Công sẽ chữa được bệnh vô sinh” v..v Họ tránh nói những vấn đề đó (kể cả khi hồng Pháp) mặc dù có thể nó có thật. Dựa trên Pháp mà Sư Phụ giảng trong bài "Trị bệnh ở bệnh viện và trị bệnh bằng khí công" - Chuyển Pháp Luân, tôi thể ngộ ra rằng bệnh tật nơi con người là do nghiệp lực mà họ tự gây ra, họ phải trả nghiệp, đó là an bài Từ bi của Thần, cũng là Pháp nơi cõi người quy định như vậy. Học viên có thể vì cái tình, vì hiểu Pháp chưa thanh tỉnh, hoặc muốn chứng thực bản thân, muốn tạo sự đặc biệt để thu hút người ta đến với Pháp mà lại tùy tiện muốn can thiệp vào an bài có nguyên do đằng sau đó, muốn đem những thứ siêu thường để tuyên truyền, liệu có đúng hay không? Nếu cái tâm của học viên mà lớn, cứ chấp vào sự thần kỳ trong hiệu quả trị bệnh đó thì tôi chỉ e rất có thể sẽ khiến một số Ma nơi người thường vào phỉ báng Pháp Luân Công là lừa đảo, là mê tín dị đoan, khiến người ta không uống thuốc mà chết.


Mà thực tế thì, bản thân việc ai đó bị bệnh chẳng phải là họ đang phải trả nghiệp, họ chịu khổ bây giờ thì kiếp sau họ sẽ đỡ khổ hơn đúng không? Vậy tùy tiện tiêu trừ nghiệp của họ thì theo tôi hiểu đương nhiên sẽ phải thay mặt họ đi tất toán với chủ nợ của họ đúng không? Như vậy họ phải là gì thì mới làm vậy được? Theo tôi hiểu thì dĩ nhiên họ phải là người tu luyện chân chính thì mới làm vậy được có phải không? Mà rõ ràng đâu phải ai ai cũng có thể tu luyện, người ta tu ra sao chúng ta cũng không thể chỉ thông qua mắt thường hay biểu hiện bề ngoài của họ mà có thể nhận ra được. Do đó, quảng bá những thứ siêu thường như khỏi bệnh này nọ khi mà chúng ta cũng không biết họ có tu luyện được hay không liệu có quá rủi ro? Ở một góc độ nào đó, chẳng phải cũng đang khởi tác dụng hại người là gì? Đáng lý, nếu họ không tu luyện thì họ có thể uống thuốc hoặc đi bệnh viên thì vì nghe quảng bá "quá đà", "không lý trí" như trên của học viên mà họ rất có thể mất mạng như chơi!


- Dễ tạo nghiệp


Hiện nay chúng ta có thể bắt gặp khắp nơi việc hồng Pháp loạn bậy như trên và bản thân đó theo quan điểm của tôi cũng có thể được coi là một hành vi rất dễ tạo nghiệp, tại sao lại như vậy?


Bởi nếu người ta vì nghe học viên nào đó quảng bá tập Pháp Luân Công có thể chữa bệnh nhưng khi họ vào tập mà không khỏi bệnh thì chẳng phải sau này họ sẽ vì căm phẫn do bệnh không khỏi mà đổ tội lên Pháp Luân Công là lừa đảo, là dụ dỗ mê tín? Tất nhiên họ làm vậy thì vấn đề thuộc về nhận thức cá nhân họ nhưng chẳng phải nguyên nhân gốc rễ khiến họ trở nên/hoặc có cớ để nói như vậy là chính do học viên chứng thực Pháp không lý trí gây ra đúng không? Vậy hỏi nghiệp lực họ tạo ra thì học viên liên đới khi chứng thực Pháp đó có phải chịu một phần không? Nếu người thường kia mà khiến nhiều người xung quanh hiểu sai về Đại Pháp mà sau này bị đào thải trong tương lai thì người học viên đó có gánh nổi tội nghiệp không?


Nó gần giống như trường hợp trong một gia đình thì cha mẹ phải có trách nhiệm dạy dỗ con cái, nếu dạy dỗ không cẩn thận mà để đứa con làm loạn, gây hại người khác thì bậc cha mẹ đó có bị liên đới hay không?


- Dễ tạo ra sơ hở cho Cựu thế lực dùi vào, tạo ra những tổn thất không đáng có cho cộng đồng học viên


Với qui luật tương sinh tương khắc, học viên quảng bá mình tập không cần uống thuốc cũng khỏi bệnh thì có lẽ tôi nghĩ có thể Cựu Thần cũng sẽ an bài nhiều thành phần hoặc trường hợp có thật không uống thuốc mà chết với lý do đó là cân bằng lại trạng thái nơi xã hội người thường.


Theo thể ngộ của tôi, thì Pháp lý nơi xã hội người thường là vốn được quy định như vậy, đó là một cõi mê chứ không phải là hầu như cái gì cũng rõ ràng như khi ở trên Thiên thượng.


Tôi nhớ Sư Phụ có giảng (đại ý, không phải nguyên văn) là đến ngay cả Chân Phật mà muốn xuống hành sự cũng phải tu lại, công nguyên lai không được cấp (học viên xem lại nguyên văn lời Sư Phụ giảng trong bài "Tự tâm sinh Ma"). Do đó tôi thể ngộ ra rằng mọi sự việc hay bất kỳ hành động nào trong quá trình chứng thực Đại Pháp mà học viên làm - Đều cần phải tuân thủ Pháp lý nơi cõi người.


Vậy hỏi Pháp lý nơi cõi người đó làm sao có thể để tồn tại hiện tượng không cần đi khám, không trị bệnh mà chỉ tập vài động tác, đọc sách là khỏi bệnh? Giả sử bệnh nhẹ như cảm vặt thì tôi không bàn đến, vì hệ miễn dịch người thường tự đề kháng được; Người thường dẫu có khỏi họ cũng không ấn tượng lắm, hoặc có thể vẫn cho rằng là do họ tự khỏi chứ không phải do tập Pháp Luân Công (tức là vẫn còn tồn tại cái mê để cho họ ngộ). Nhưng bệnh nặng như ung thư, HIV thì tôi nghĩ làm sao được? Tôi cho rằng những thứ đến "tầm" đó phải ngộ mới được cho phép, nếu ai ai cũng thấy rõ là không cần uống thuốc, vô đọc sách luyện vài bài công Pháp là khỏi, thì có lẽ các thành phần bại hoại cũng vào tu, kẻ giết người hàng loạt cũng vào tu v..v.


Do đó, tôi nghĩ chỉ nên giới thiệu về Đại Pháp ở góc độ mà người thường có thể lý giải được, như là nói về việc đề cao tâm tính, về việc giúp gia đình hòa thuận ra sao v..v thì mới không dễ khởi tác dụng phụ diện về sau (không tính trường hợp người đó bây giờ tu chính nhưng lại tu loạn bậy về sau - thực ra bất quá cũng chỉ cần nói họ không tuân theo những gì Sư Phụ giảng là đủ - là do họ thực thi sai chứ không phải do Đại Pháp). Đó mới chính là chứng thực Pháp một cách có trách nhiệm, có thủy có chung, cũng thể hiện sự tôn kính đối với Sư Phụ, không hạ thấp Đại Pháp như một phương pháp trị bệnh tầm thường nơi xã hội.


Nên tập trung vào chứng thực vẻ đẹp của Đại Pháp ở góc độ tâm tính


- Không dễ tạo ra tác dụng phụ diện, hiệu quả lại bền vững và có tính lan tỏa thiết thực Chứng thực Pháp theo thể ngộ nông cạn của tôi là nên để người thường nhìn nhận sự tốt đẹp của Pháp dưới góc độ mà người thường có thể lý giải được; tức là ở góc độ người ta lý giải được như thông qua sự tận tình vì công việc, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, đối đãi tốt thậm chí với người đối xử không tốt với mình, luôn vì người khác v..v. Đó chính là những thứ mà tôi nghĩ họ nên nhìn nhận từ Pháp, chứ không phải toàn là những thứ kiểu như "đến với Pháp Luân Công bạn không cần uống thuốc", "đến với Pháp Luân Công bạn sẽ khỏi bệnh nan y" v..v. Họ nhìn nhận được sự tốt đẹp của Pháp từ những thứ giản dị bình thường nhất, ít ra họ thấy Pháp Luân Công là tốt thì họ đã có tương lai rất sáng lạng, nếu duyên họ đủ lớn thì có thể họ sẽ bước vào tu luyện. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam mà chỉ cần chứng thực Pháp đơn giản như vậy thì đã có thể đem lại ảnh hưởng rất tích cực rồi chứ không nhất thiết phải lấy những thứ đao to búa lớn, siêu thường, thần tích ra làm gì cả.


- Tránh được việc bị người thường soi "tình huống" tu luyện của bản thân nếu trước đó đem vấn đề trị bệnh ra quảng bá


Tôi cũng thể ngộ được rằng việc một người tu luyện mà khỏi bệnh là do tại thời điểm đó họ phù hợp tiêu chuẩn của Pháp - Nhưng không có gì để đảm bảo rằng sau này họ sẽ không bị bệnh lại, vì không phải lúc nào họ cũng tu tinh tấn hay sẽ không mắc phải vấn đề về tâm tính do trượt ngã trong tương lai.


Nếu giả như sau này trạng thái tu luyện của họ không đạt chuẩn như hiện tại thì những bệnh tật mà người không tu tưởng rằng đã từng hết kia sẽ rất có thể biểu hiện trở lại (người tu thì hiểu đó là để tiêu trừ nghiệp lực nhưng người không tu thì lại hiểu đó là bệnh cũ tái phát).....Đó là chưa nói đến cho dù tu luyện tinh tấn nhưng có thể "căn bệnh" đó vẫn tái diển liên tục trong quá trình tu luyện do trường hợp đặc thù vì nghiệp lực của học viên đó quá nhiều, có thể có trường hợp còn phải tiêu nghiệp thông qua hình thức nghiệp bệnh đó nhiều lần; Nếu "hiện tượng" đó xảy ra nhiều lần và người thường trông thấy họ sẽ nghĩ thế nào? Họ có lại dễ nghi ngờ vì thấy học viên vào tu nhưng bệnh kia vốn dĩ đáng lẽ đã khỏi từ lâu sao mãi cứ bị lại? Họ là người ngoài, không tu luyện thì làm sao hiểu được việc tu luyện? Chẳng phải lúc đó chính chúng ta lâm vào thế khó khi giải thích cho họ có phải không (vì trước đó chúng ta lỡ đem vấn đề trị bệnh ra quảng bá với họ)?


Có rất nhiều tình huống và trạng thái có thể xảy ra, không ai giống ai v..v. Nếu đem sự việc trị bệnh đó ra mà để chứng thực Pháp thì tôi nghĩ sẽ là rủi ro rất lớn. Bản thân học viên liệu có ai dám chắc trong quá trình tu sẽ không vấp ngã một chút nào hết, quan nào cũng vượt qua hết? Hay có dám chắc là mình ít nghiệp lực để không phải tiêu nghiệp nhiều lần? Nếu không chắc chắn thì tốt nhất đừng nên lấy những điều đó ra để hồng dương Đại Pháp. Nếu có nói, tôi nghĩ cũng chỉ nên nói ở mức vừa phải như là giúp cải thiện sức khỏe, cảm thấy thư thái là an toàn rồi, nói cao quá đến mức người thường họ cũng cho rằng đó là hoang tưởng là rất nguy hiểm. Như vậy, theo tôi thể ngộ là không nên đem cái sự “khỏi bệnh” đó ra quảng bá - nhất là ở một quốc gia phần đông người dân là theo thuyết vô Thần như Việt Nam. Làm không cẩn thận thì những cách làm đó sẽ dễ dẫn đến những tác động tiêu cực, khiến bại hoại thanh danh Pháp. Tôi nhớ Sư Phụ giảng rằng (đại ý, không phải nguyên văn) đem những điều của Mật Tông tuỳ tiện truyền ở tầng thấp, thì chính là truyền tà pháp. (học viên xem lại nguyên văn lời Sư Phụ giảng trong bài "Nam nữ song tu" - Chuyển Pháp Luân)


Thực tế, trong bài Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994] Sư Phụ cũng đã nói rõ là cấm chỉ học viên bảo người khác đến điểm luyện công để chữa bệnh, đó là phá hoại Pháp. Và trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999] (vấn đề khỏi bệnh nan y). Quảng bá "khỏi bệnh thần kỳ" theo thể ngộ của tôi đó chẳng phải là đang phá hoại Pháp là gì? Nó chẳng phải khiến cho người ta tăng trưởng tâm chấp trước và nghĩ rằng tập Pháp Luân Công để chữa bệnh và đến tập Pháp Luân Công chỉ để chữa bệnh thôi là gì?


Một trang Fanpage mà học viên Pháp Luân Công tạo ra nhưng chủ yếu chỉ để quảng bá "hiệu quả trị bệnh thần kỳ", cho dù nó có thật thì cũng không thể tùy tiện đem ra mà quảng bá loạn bậy như vậy, về lâu về dài thì tác hại khôn lường.


Một trang web dám công nhiên quảng cáo hại người như vậy, lại lấy danh nghĩa là Pháp Luân Công, chả phải ai vào đọc cũng sẽ nghĩ Pháp Luân Công chỉ để trị bệnh đó sao? Chả phải gây áp lực tâm lý đối với người mới vào đó sao, chả phải dẫn họ đi sai đường là gì? Đây có phải là phá hoại Pháp hay không?


- Tránh được hậu quả vì những rủi ro do không biết rõ người được hồng Pháp đó sau này có thực sự tu luyện hay không?


Bản thân học viên khi hồng Pháp cho người ta có thể nghĩ rằng từ từ người ta sẽ bỏ được cái tâm đó đúng không? Vậy sao không hồng Pháp bằng đường lối chính là giúp con người ta thành người tốt, biết sống chan hòa? Tại sao bằng mọi giá phải tạo tính giật gân như khỏi bệnh nan y để lôi kéo người ta? Để khoe khoang hiển thị bản thân chăng? Hay để tạo thành tích hồng Pháp? Tôi thông qua đọc Chuyển Pháp Luân - bài "Vấn đề hữu sở cầu" thì có thể ngộ nông cạn rằng một người mà dùng bất cứ cái tâm hữu cầu nào mà tiến vào Đại Pháp thì đều không được.


Vậy tại sao không để họ tự nhiên bước vào mà lại hữu ý tạo ra một cái chấp trước to đùng trong đầu họ như vậy? Nếu giả sử họ mà không có duyên với Pháp, chỉ vì muốn chữa bệnh, tập lâu mà bệnh không khỏi, thậm chí nghe mấy vị học viên không thanh tỉnh, không nắm rõ tình huống cứ khuyến nghị bừa hoặc lấy các bài chia sẻ trên mạng ra nói là "phải có tín tâm, phải tinh tấn", "nhiều người không uống thuốc mà vẫn có sao đâu", "tu luyện thì không phải uống thuốc", "ông A, bà B này bệnh nặng thế mà vẫn khỏi đó thôi" - Theo tôi nghĩ đó là cẩu thả vô trách nhiệm. Làm sao họ có thể có tín tâm khi họ thậm chí trong đầu có khi còn chưa biết tu là gì?

Tình hình vốn đã không phải đơn giản, đã vậy học viên lại còn tạo chướng ngại rất lớn trong tâm họ là vào tập có thể chữa bệnh. Thế là vị đó vì nghe theo mấy vị học viên kia (có thể trong tâm họ nghĩ rằng cứ làm y nguyên cái mô-tuýp đó kiểu kiểu giống như hướng dẫn của bác sỹ như uống thuốc vào giờ nào, uống trước khi ăn hay sau khi ăn là khỏi bệnh), không uống thuốc rồi ... chết. Hậu quả sau đó thì ai chịu đây? Ai làm trong sạch thanh danh cho Đại Pháp nếu như có người vin vào cớ đó mà phỉ báng Đại Pháp? Giả thiết đáng ra vị đó nếu không tu luyện, nhưng biết Đại Pháp là tốt, thì có thể được lưu giữ sang tương lai và thậm chí có thể còn có cơ duyên đắc Pháp.


Nhưng vì sự hồng Pháp cẩu thả của học viên, lại thêm nhiều vị vô trách nhiệm thích khoe khoang hiển thị mình tu tốt thế này thế khác nên đã góp phần đẩy người ta vào con đường chết đó đúng không? Nếu họ vì vậy mà bị tử vong hoặc người thân họ vì vậy mà quay sang đổ hết tội lên Đại Pháp, phỉ báng Đại Pháp, vậy tội nghiệt họ tạo ra liệu có phần của cả học viên liên quan trong đó không? Nếu ngay từ đầu hồng Pháp lý trí, đừng có lôi sự thần kỳ nào đó ra để lôi kéo, chỉ nói bình thường thôi là Đại Pháp giúp người ta trở thành người tốt cho xã hội, thay đổi nhân sinh quan, trở nên hòa ái hơn, cải thiện sức khỏe v..v, họ tiếp cận nếu thấy thích thì tập, không thì thôi, và nếu họ có làm sao thì cũng không thể vin vào cớ gì để chụp mũ Đại Pháp được đúng không? nếu hồng Pháp lý trí thì làm gì có chuyện đau lòng như trên? Nếu thật sự bản thân tu mà khỏi bệnh, người nhà hoặc người xung quanh thấy được và họ hỏi: có phải bản thân nhờ vào tu mà khỏi không thì tôi nghĩ học viên đó cũng nên phải lý trí mà trả lời một cách có trách nhiệm ví dụ như: “Đây là pháp môn tu luyện nghiêm túc, Sư Phụ Lý Hồng Chí trong sách đã giảng rõ là không trị bệnh”. Tôi nghĩ việc khoe khoang, hiển thị bản thân khỏi bệnh này nọ đó rất dễ gây ra tác dụng phụ diện về lâu về dài. Ma có thể thậm chí sẽ tạo ra những trường hợp cũng tập nhưng không khỏi và thậm chí bị tử vong, sẽ khiến nhiều người lý giải sai, từ đó tạo nên nhìn nhận tiêu cực về Pháp Luân Công. Chúng ta là học viên thì tôi nghĩ việc duy hộ tính uy nghiêm của Đại Pháp và thanh danh của Sư Phụ qua từng lời nói, cử chỉ là tối quan trọng, phải đặt lên trên hết dù bản thân tu tốt ra sao.


- Tránh được rủi ro khi gặp những ca "sắp hết dương thọ" Có thể, sẽ là rất rủi ro khi mà một người sắp hết dương thọ tìm đến học Pháp Luân Công thông qua sự quảng bá không lý trí kia của học viên. Họ có thể trong đầu không hiểu tu luyện là gì, nhưng tham gia rất chăm, nhiệt tình, đọc sách luyện công đều đặn, người thân họ biết, đồng nghiệp cũng biết họ luyện, nhưng vì họ lại che giấu việc họ không hiểu tu luyện là gì, tưởng rằng cứ đọc sách, luyện công chăm chỉ và đi nghe chia sẻ là tu, có khi giai đoạn đầu họ có chút biểu hiện tích cực, thậm chí học viên xung quanh cũng khen họ tinh tấn, nhưng đâu có dễ dàng như vậy.


Với trường hợp giả thiết trên, tôi cho rằng họ thực tế có thể còn chưa Đắc Pháp, đường đời của họ có thể còn chưa được cải biến, điều chỉnh nên đến lúc chết thì có lẽ vẫn phải chết thôi. Nhưng điều nguy hại là người xung quanh sẽ vì cái tình huống trớ trêu này mà chụp mũ rằng trước đó vị này tập các môn khác không sao nhưng vừa tập Pháp Luân Công một thời gian mà vị đó chết (vì "trùng hợp" vào lúc họ sắp hết dương thọ thì họ mới vào tập), vì họ cho rằng nếu vị đó tuân theo liệu trình y học thì có khả năng vẫn sống, nhưng nghe theo Pháp Luân Công, không uống thuốc này nọ (hy vọng khỏi bệnh giống vì nghe học viên kia đã quảng bá khỏi bệnh thần kỳ) nhưng vì không tu thực chất, giấu cái tâm cầu chữa bệnh quá kỹ nên vẫn chết như thường.


Tôi dẫn một ví dụ có thật: Có một vị học viên tại khu vực tôi mới vào tập được nửa năm, vị đó gặp ai cũng khoe rằng tập Pháp Luân Công giúp vị đó trẻ ra, khỏi nhiều bệnh. Nhưng Sư Phụ Lý Hồng Chí trong Chuyển Pháp Luân có giảng (đại ý, không nguyên văn) rằng tu luyện là một quá trình liên tục tống khứ các tâm chấp trước. Như vậy, tôi có thể ngộ rằng những triệu chứng tiêu nghiệp qua giả tướng nghiệp bệnh sẽ có thể còn diễn ra rất nhiều vì họ mới tu chưa lâu, đáng lý vị đó nên lý trí khi hồng Pháp, nên để người ngoài tự so sánh/nhận định sự thay đổi trước/sau khi vị đó bước vào tu luyện chứ không cần thiết phải khoe khoang hiển thị quá lên như vậy. Không biết vị này sau đó tu ra sao mà khoảng một thời gian gần đây tôi có nghe tin vị đó qua đời đột ngột tại nhà người quen do … trúng gió.


Chuyện này gây ồn ào đến nỗi con gái và chồng của vị đó tranh cãi nhau nảy lửa, đứa con cho rằng do mẹ tập Pháp Luân Công nên mới chết, là vì ông chồng (cũng tu Pháp Luân Công) luôn bảo vị học viên bị chết kia không uống thuốc. Những người mà được vị học viên đó quảng bá cũng quay sang nói những lời không tốt về Pháp, cuối cùng họ cho rằng tốt nhất là không nên dính đến Pháp Luân Công, không khéo tập một thời gian “tẩu hỏa nhập ma”, hay v..v mà chết như vị học viên kia.


Rất nhiều người vào tu như thể mong muốn có một "bảo hiểm sinh mạng" nhờ vào Đại Pháp, họ nghĩ cứ tham gia hạng mục, đọc sách nhiều, nghe chia sẻ, luyện công nhiệt tình thì sẽ được Sư Phụ quản. Nhưng họ thực chất là lấy những việc bề mặt để lừa Sư Phụ rằng họ đang tu, kỳ thực họ không hiểu tu là gì, họ lại cho rằng làm nhiều việc nghĩa là tu, tu luyện chả lẽ đơn giản như vậy? Họ che được mắt học viên nhưng mắt Thần và Sư Phụ lại thấy rất rõ cái tâm bất chính vọng tưởng làm nhiều việc thay thế quy đổi cho tu luyện kia của họ.


Chia sẻ vấn đề "trị bệnh" tại nội bộ học viên cũng có thể mang lại nhiều hệ lụy

Khi có học viên khỏi bệnh trong quá trình tu luyện, lại là bệnh nan y, bệnh nặng vốn dưới góc độ của người thường là khó chữa, là mắc "án tử". Thì cần đặc biệt cẩn trọng khi đem những vấn đề đó ra chia sẻ tại nhóm học Pháp hay điểm luyện công. Lý do:


- Tại điểm học Pháp nhóm hay luyện công chung thì không phải ai đến đó cũng là người chân chính thực tu. Thực tu theo tôi hiểu vốn không phải là cái danh, hay cái mác nhận biết, cũng không phải chỉ nhìn vẻ ngoài, lời ăn tiếng nói mà có thể kết luận được.


Chúng ta không thể biết rõ ai là thực tu, ai là tu hình thức (giả tu) nên đem những vấn đề "khỏi bệnh thần kỳ" của tự thân ra chia sẻ rất dễ giống như tạo ra chấp trước cho những người "tu hình thức" kia.


Vì tu hình thức nên họ chỉ biểu hiện hời hợt bề ngoài, trong tâm không nhất định thay đổi từ bản chất, chấp trước không nhất định chịu bỏ mà chỉ lấp liếm che đậy đi - Họ nghe học viên chia sẻ điều thần kỳ kia thì rất dễ sẽ vì thế mà cho rằng cứ làm theo, tu theo giống vị khỏi bệnh nan y đó là bệnh của họ cũng sẽ khỏi, vị đó cũng có thể lại đem ví dụ khỏi bệnh nan y kia đi đem quảng bá cho người thường. Rồi thì nếu sau này họ vẫn "ra đi", nhưng người thân quanh họ sẽ lại chụp mũ là học viên tuyên truyền mê tín.


Để lấy một ví dụ minh họa - Trước đây, tại một điểm học Pháp nhóm ở địa phương tôi, tôi có nghe đại khái về việc nhóm học viên ở đó hay tung hô một vị học viên khỏi bệnh ung thư sau một thời gian bước vào tu luyện. Thời gian đó cũng có một vị học viên nữ tham gia nhóm học Pháp này và có con đang bị ung thư (lúc đó người con này chưa bước vào tu luyện).


Vì nghe được học viên tung hô và nói rằng tu luyện Đại Pháp có thể khỏi bệnh nan y như ung thư (qua trường hợp của vị học viên khỏi bệnh kia) nên vị này cũng về nhà khuyên con tu luyện và bỏ qua hết mọi liệu pháp hóa trị, xạ trị thông thường. Sau đó người con trai này vẫn chết vì căn bệnh ung thư và vị học viên nữ kia liền quay ra đổ hết mọi tội lỗi lên học viên tại điểm học Pháp nhóm vì cho rằng cô này đã bị lừa khi tin rằng Đại Pháp có thể chữa bệnh nan y cho con trai của mình (cũng chứng tỏ cô này vốn không lý giải Pháp được sâu, mặc dù trước đó vẫn tham gia học Pháp nhóm bình thường, chỉ là không biểu hiện ra nên có thể nhiều học viên vẫn tưởng rằng cô này học Pháp không có vấn đề gì).


- Rất dễ tạo ra chấp trước cho các học viên


Có học viên có thể sẽ ca ngợi, tung hô những ca "khỏi bệnh thần kỳ" đó lên. Số khác có thể vì mang tâm tật đố cho rằng vị kia bệnh nặng thế mà khỏi thì chắc tu tốt lắm, họ không muốn thua kém, cũng muốn "nổi tiếng". Thành ra sau này học viên có thể bị định hướng việc tu là để khoe khoang hiển thị bản thân, chia sẻ cũng chỉ để "hơn thua danh tiếng" với nhau (tất nhiên họ vẫn nói là họ chia sẻ để cùng nhau đề cao, nhưng ẩn sâu trong tâm họ thì chia sẻ là cái cớ để họ chứng thực bản thân).


Theo tôi an toàn nhất là những ai khỏi bệnh, kể cả bệnh nan y thì cũng nên "giữ mồm giữ miệng" lại một chút. Những thứ đó theo tôi hiểu là vốn do phù hợp với tiêu chuẩn của Đại Pháp thì mới được Pháp thân của Sư Phụ tiêu bớt đi cho phần lớn, học viên chỉ phải chịu một chút bề mặt. Những điều này vốn là không nên đem ra khoe khoang hiển thị, ngay cả trong cộng đồng học viên. Nếu có muốn giúp học viên tăng tín tâm thì tôi nghĩ cũng không thiếu gì cách để chia sẻ, không cứ phải đem việc bản thân khỏi bệnh nan y này nọ ra để làm ví dụ, cách làm này như tôi vừa phân tích bên trên đó là dễ tạo ra nhiều hệ lụy, vừa tạo thêm chấp trước vào trị bệnh của học viên chứ không hẳn là nâng cao tín tâm.


Quá ỷ lại vào phương diện "khỏi bệnh thần kỳ" cũng phần nào phản ánh tình trạng tu luyện của học viên có thể đang gặp vấn đề


Thực tế, theo quan điểm của tôi thì dưới góc độ tu luyện - những ai mà không thể tự mình dựa vào hành vi, lời ăn tiếng nói, cách đối đãi cư xử hàng ngày, kết quả công việc học tập tốt đẹp mà vốn là kết quả của việc thường hằng thực tu theo Đại Pháp để chứng thực sự tốt đẹp của Đại Pháp mà phải dựa dẫm vào những sự thần kỳ để mong muốn người ta nghĩ tốt và bước vào tu luyện ấy chẳng phải là có vấn đề hay sao?


Nó có giống như một vị ca sỹ không phải thông qua năng lực ca hát để nổi tiếng (theo lối nói xưa là hữu xạ tự nhiên hương - có tài thì tự người ta biết đến mà không cần nói ra) mà lại muốn thông qua scandal giật gân, yêu đương nhăng nhít để người ta biết đến đúng không? Hay người nào mà thực sự có của thì không bao giờ đi khoe khoang là mình giàu, họ thậm chí còn ăn mặc giản dị như thể họ không hề giàu có v..v.


Còn người mà gặp ai cũng khoe giàu, thì đến lúc sa cơ lỡ vận thì hỏi họ có rổ mà che mặt hay không? Người tu luyện thực sự tôi nghĩ sẽ không tùy tiện khoe khoang bản thân như vậy, làm gì cũng nên biết nghĩ trước nghĩ sau và cẩn trọng dè chừng một chút. Học viên dẫu có gặp khảo nghiệm lớn, vượt được quan lớn, thậm chí quan sinh tử thì tôi nghĩ cũng vẫn chỉ nên biểu hiện bình thường, tôi cho rằng đó mới là người thực tu cái tâm, họ đã giữ vững và bài xích được cái tâm khoe khoang của mình, họ ý thức rõ về sự kiểm soát của tâm cầu danh và hậu quả của nó. Còn hễ tu mà có chút biểu hiện, một chút gì đó thần kỳ mà đã khoe khoang rồi đi chia sẻ, chả phải là đang không hiểu tu luyện là gì đó sao? Mấy thứ đó theo thể ngộ của tôi thì họ là thông qua tu chân chính mới được Pháp thân của Sư Phụ tiêu nghiệp cho, họ đã không nghĩ cho sự khó nhọc của Pháp thân Sư Phụ, họ không hiểu lại lấy nó ra hiển thị bản thân rằng họ tu tốt lắm, chẳng phải quá ư vô minh và mang nặng tư tâm đó sao?

Một bộ phận rất lớn học viên hiện nay theo quan điểm của tôi thì tu luyện đang tồn tại rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, chỉ là họ ẩn giấu nó quá kỹ mà thôi. Ấy vậy mà khi bị chất vấn về trách nhiệm, thì điều đầu tiên họ làm là đẩy hết tội lỗi cho người mà chính họ đã hồng Pháp như "Do họ không xứng đáng được cứu độ", "Do họ ngộ tính không cao", "Do họ tự quyết định con đường của họ" chứ không hề có một chút gì tự vấn về trách nhiệm hồng Pháp vô trách nhiệm của họ, bất quá chỉ phủi tay nói "Chúng tôi đã làm hết sức rồi".


Đó là mới chỉ nói đến khía cạnh học viên hồng Pháp không lý trí. Thực tế vấn đề này theo tôi biết thì còn phản ánh ở cả góc độ tu luyện của chính một bộ phận không nhỏ các học viên nữa, họ không chân chính thực tu cái tâm của mình, khi mới bắt đầu vào tu thấy có một số biểu hiện khỏi bệnh là vội hoan hỷ đem ra khoe khoang hiển thị. Rồi thì rất nhiều học viên xung quanh không đối đãi cho chính với việc tu của chính mình, không đặt việc tự tu theo Đại Pháp một cách thiết thực lên trên hết mà lại quay sang nhìn theo những cá nhân có biểu hiện khỏi bệnh kia mà tung hô, khen ngợi rồi đem ra làm hình mẫu để … tu theo. Rồi thì sau đó chính những hình mẫu đó đột nhiên lăn ra chết, lúc đó hỏi những vị học viên không tu theo Pháp mà tu theo "hình mẫu" kia sẻ phản ứng ra sao?


Đã có nhiều ca loạn bậy tồn tại nhưng dường như các học viên tại Việt Nam toàn cố tình né tránh bài học chính diện, họ không xem đó là sơ hở chết người trong toàn bộ việc tu của họ mà họ xem đó như chuyện không vui, chuyện buồn và cố gắng quên nó đi theo thời gian, thậm chí còn tự an ủi là những người đã ra đi là viên mãn sớm.


Tôi nghĩ rằng họ có thể quên nhưng Cựu Thần thì không để họ yên đâu. Nếu sự tình như vậy vẫn cứ tiếp tục chôn sâu xuống mà không giải quyết dứt điểm từ gốc rễ thì tôi e sắp tới sẽ lại tiếp tục có thêm nhiều “chuyện không vui” nữa. Một số học viên có thể cho rằng “họ tu không tốt thì họ tự chịu”, tôi nghĩ rằng những vị này chỉ đang cố tỏ ra cứng cỏi khi “đại nạn” chưa giáng xuống đầu họ mà thôi, nếu không xem đó là bài học để tự xét lại mình hay cho cả cộng đồng, mà lại bảo không quan tâm hay không liên quan gì đến họ thì họ nên tự xác định dần cho tương lai của mình đi là vừa, vì tôi nghĩ không có gì xảy ra là ngẫu nhiên cả. Liệu chăng việc họ biết hay chứng kiến những sự việc "không vui" trên có phải ngẫu nhiên?

Một ví dụ về hiện tượng học viên nổi tiếng đột tử được cộng đồng học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam chia sẻ, nhưng chuyện không dừng lại chỉ ở cá nhân học viên đó mà nó còn là thể hiện được sự sai lệch nghiêm trọng trong tu luyện của bộ phận lớn học viên hiện nay tại Việt Nam



Gần đây hiện tượng học viên lâu năm đột tử, qua đời đang có dấu hiệu gia tăng, trong số đó cũng có không ít là những người nổi tiếng trong cộng đồng, nhưng giờ thì lại thành ra như vậy, tôi nghĩ rằng những gì họ làm và những gì họ nghĩ trong đầu ắt phải có sự sai biệt rất lớn nên mới có chuyện như vậy xảy ra.


Kết luận:


Tôi nhớ Sư Phụ trong bài giảng thứ nhất trong Chuyển Pháp Luân từng giảng rằng (không nguyên văn - link gốc ) Sư Phụ có bổn ý là có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với học viên trong toàn bộ quá trình truyền Pháp. Trách nhiệm đó theo quan điểm và thể ngộ nông cạn của cá nhân tôi thì nó có một sức nặng rất lớn, nó không phải chỉ là một cụm từ đơn giản, học viên càng va vấp nhiều, tu luyện thực chất lên trên mới có thể hiểu “trách nhiệm” đó cụ thể ra sao và lý do vì sao lại nói như vậy, chứ không phải chỉ dừng lại ở chót lưỡi đầu môi hay câu nói cửa miệng sáo rỗng.


Qua đây để thấy rằng hồng Pháp kỳ thực không phải vấn đề đơn giản, làm không đúng thì có thể vừa khởi tác dụng phá hoại Pháp, vừa dễ khởi tác dụng hại người chứ không phải cứu người. Ngoài ra, những học viên nào có tư tưởng sử dụng những thứ “thần kỳ” này tôi nghĩ họ cũng nên xét lại chuyện tu của chính mình một chút, "sự thần kỳ" là có thật nhưng nhiều khi không phải sự "thần kỳ" nào cũng có thể tùy tiện đem ra quảng bá mà cần phải lý trí mà suy xét, nhất là trong bối cảnh chúng ta còn đang phải đi giảng chân tướng cứu người.


Ở đây tôi chỉ đưa ra khuyến nghị như vậy, các học viên có thể tự mình suy xét. Nếu không quy chính cái tâm của mình một cách nghiêm túc theo Đại Pháp mà cứ theo số đông, thấy người khác làm gì mình làm theo đi cùng với sự bành trướng của tâm cầu danh, tâm hiển thị v..v thì tôi nghĩ không sớm thì muộn học viên cũng “hại mình, hại người” mà thôi.


Tôi xin chia sẻ một số quan điểm và thể ngộ tại tầng sở tại còn hữu hạn, lẽ dĩ nhiên có thể không tránh khỏi sai sót do nội hàm của Đại Pháp mà Sư Phụ giảng là vô biên, nếu có gì không đúng hoặc cần bổ sung thêm thì rất mong nhận được sự góp ý.



bottom of page