Trước hết, tôi xin nêu trước quan điểm rằng, những gì tôi nói dưới đây hoàn toàn là thể ngộ của bản thân tại tầng thứ sở tại từ việc học Pháp do Sư Phụ giảng, chỉ để cho các học viên đọc, tham khảo và tự suy ngẫm, nó không thay thế việc tự mình tu luyện của các học viên cũng như không có tính định hướng ai hết. Nếu không phải vì thấy nhiều hiện tượng cực đoan và không lý trí của của một bộ phận học viên và hiện tượng phá hoại ngầm có tổ chức ẩn sâu trong cộng đồng học viên thì tôi cũng sẽ chỉ im lặng mà tu tiếp bản thân cho nó nhẹ người chứ không việc gì phải đăng bài lên đây để cảnh báo học viên, bởi tôi biết những người nào mà đã dính sâu vào rồi thì họ rất khó thừa nhận việc mình làm là có vấn đề và theo tự nhiên họ sẽ tìm cớ để bài xích hoặc lôi Pháp ra để che đậy, làm bình phong cho việc họ làm, những người đó thì tôi chỉ có thể khuyến thiện bằng cách chỉ ra việc họ làm là có vấn đề, còn họ nghe và tự xem xét lại một cách khách quan được hay không thì cá nhân tôi thấy rất ít hy vọng.
Tuy nhiên tôi cũng mong muốn các học viên mới, nhất là chưa có nhận thức đầy đủ về môi trường và những cạm bẫy trong tu luyện tại Việt Nam ý thức ra được, để có thể phần nào có phương pháp nhận thức để tự cứu lấy mình. Các bạn mới tham gia học Pháp Luân Công thì các bạn sẽ thấy hiện cảnh cả ở thực tế bên ngoài lẫn trên các mạng xã hội như đang cãi nhau và thị thị nhi phi, nhưng đó có lẽ là cơ hội hiếm hoi mà các bạn có thể nhận ra được những cạm bẫy đang ẩn núp (và cạm bẫy thì đương nhiên là muốn sự bình lặng để dễ bề ẩn núp và không muốn ai nhận ra nó) và chỉ trực giăng đón các bạn. Tôi cũng sẽ không bình luận, các học viên đọc, tự mình suy ngẫm một cách lý trí và tự quyết định con đường của mình về sau, bởi nó là con đường các bạn tự phải đi, người khác không đi thay được, tu luyện vốn dĩ là việc của tự thân, và những vấp ngã cũng sẽ khó tránh khỏi bởi vì chúng ta đều là tu luyện từ người thường mà đi lên.
Theo những gì tôi được chứng kiến, tiếp xúc và trải nghiệm các hoạt động của học viên cũng như các hoạt động phá hoại Pháp từ thời kỳ của Phạm Xuân Giao giai đoạn 2010 trở lại đây và các biến tướng sau đó thì tôi tạm chia ra những sai lầm cố hữu của các học viên mới khi bước vào tu luyện mà dễ bị dùi vào sơ hở như sau:
1. KHÔNG PHÂN BIỆT ĐƯỢC SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TU LUYỆN TRƯỚC 20/7/1999 VÀ TU LUYỆN SAU 20/7/1999.
Các học viên bên Trung Quốc mà hiện nay các bạn biết là đã được trải qua một giai đoạn tu luyện cá nhân tính từ 13/5/1992 đến 20/7/1999, tức là khoảng 7 năm. Trong giai đoạn đó, họ không bị áp lực phải đi cứu người, phát chính niệm hay làm gì khác đặc thù, bất quá là tổ chức điểm luyện công và học Pháp nhóm, cơ bản là tự tu bản thân và không phải quan tâm chuyện gì khác, giai đoạn đó tôi thể ngộ là đặt định nền tảng cho chứng thực Pháp sau này của họ. Sau 7 năm thì nhận thức của họ đã thăng hoa trong Pháp rất cao và nền tảng tu luyện cá nhân của họ rất vững vàng rồi, tất nhiên cũng có người tu không tốt (là lẽ tất yếu bởi không phải ai cũng thực tu tâm tính).
Cho đến sau giai đoạn 20/7/1999 thì Sư Phụ bắt đầu giảng các kinh văn và dần dần tiến trình Chính Pháp cứ theo thế mà tiến đến bây giờ là năm 2017. Như vậy, để theo kịp tiến trình Chính Pháp theo thể ngộ tại tầng thứ sở tại của tôi thì họ phải có nền tảng tu tốt trong 7 năm trước đó (hoặc ít nhất là một vài năm tùy theo khả năng của từng người), nếu không thì có theo kịp được không? Các bạn thử suy ngẫm xem, lấy ví dụ như trong một lớp học, thầy giảng theo trình tự từ thấp đến cao và đi theo mạch liên tục, học trò kiên trì học kỹ bài thì bài nào xong chắc bài đó và các bài giảng sau đó của thầy mới có thể thực sự nắm vững, đó là do họ có cái nền tảng lý thuyết rất vững; còn nếu học trò nào học không tập trung, những bài giảng ban đầu nắm không vững thì càng lên cao học càng có vấn đề và lý giải không thực sự đầy đủ bài giảng của người thầy nữa, thậm chí do nền tảng lý thuyết không vững còn có thể hiểu sai, nhưng do nền tảng của họ không vững và có nhiều sơ hở, bảo họ quay lại vá và bù đắp có dễ không? rất khó, vì nó đã hình thành hệ thống tư duy rồi, giống như một căn nhà xây mà hệ thống cọc bê tông làm ẩu thì có vãn hồi được không? Khả năng cao nhất chỉ đó đập đi xây lại! Đó là học kiến thức ở nơi người thường còn như vậy, là học Pháp thì tôi nghĩ nó còn nghiêm túc hơn nữa bởi sẽ có khảo nghiệm, sẽ có Ma đổ các ý nghĩ loạn bậy làm chệch hướng những ai lý giải Pháp không đầy đủ, nó nghiêm trọng hơn việc học nơi người thường rất rất nhiều! Nhưng có lẽ không mấy ai ý thức ra được.
Quay trở lại mà nói, các học viên Việt Nam phần nhiều đắc Pháp bắt đầu tăng về lượng từ giai đoạn 2010 trở lại đây, nhưng có lẽ chỉ tăng về lượng chứ không tăng về chất. Vì tu trong giai đoạn Chính Pháp thì Sư Phụ cũng đã giảng rằng cần phải chứng thực Pháp, cần phải cứu người, cần phải giảng chân tướng, phát chính niệm v..v. Nhưng vấn đề đặt ra là có thể yêu cầu điều đó với học viên mới vô được vài tháng hay 1-2 năm? Điều này còn tùy vào việc học viên đó tu ra sao? Như đã nói, các kinh văn mà Sư phụ giảng về sau này là cần phải có nền tảng thực tu nhất định mà qua một quá trình tu luyện nghiêm túc tự thân mới đạt được. Tôi có thử hỏi và trao đổi với một vài vị tu được dưới một năm và trên một năm, tôi thử hỏi một số vấn đề để xem thử các vị đó tư duy theo Pháp ra sao, ví như gặp bất công trong cuộc sống và bị người khác chèn ép thì lý giải ra sao? nhìn nhận vấn đề sắc dục? Tâm cầu danh? Tâm khoe khoang? Tâm tật đố? v..v thì đáng buồn là họ không thể trả lời nổi, họ đã tự đọc khá nhiều lần Chuyển Pháp Luân (khoảng trên dưới 10 lần) nhưng ngay cả khi hỏi họ tu luyện là gì họ cũng không trả lời nổi. Họ hỏi tôi việc phát chính niệm? Nhưng tôi có nói rằng nếu các vị không tu, không hiểu tu luyện là gì mà cứ chỉ nói như vẹt theo đám đông thì tâm tính không đề cao, các vị làm gì có công mà phát chính niệm? Theo thể ngộ của tôi thì Chính niệm muốn mạnh thì phải có nền tảng tu luyện bản thân tốt, phải bài trừ đi rất nhiều tâm chấp trước, các tâm ẩn giấu mà thậm chí bản thân không nghĩ là mình có, đến cơ bản tu luyện các vị không nắm được thì phát chính niệm hỏi phát được gì không?
Ấy vậy, rất nhiều học viên như thế theo thị hiếu đám đông đổ xô đi đọc kinh văn, các kinh văn đó là phải có nền tảng tu luyện vững chắc thì mới lý giải được từ góc độ Chính, mới có thể từ hoàn cảnh, từ năng lực của mỗi học viên mà xem xét biết cái gì nên, cái gì không nên làm, đó là nhận thức Pháp một cách thanh tỉnh và lý trí. Nhưng nếu không học Pháp, không có nền tảng tu vững chắc thì hỏi khi đọc kinh văn, các học viên sẽ dùng tâm nào để lý giải? Đó là tâm người thường! Loại tâm mà dễ bị Ma kích động nhất, các học viên là dễ nhìn nhận Pháp lý một cách cực đoan nhất, đúng theo kiểu thấy bảo gì cái là làm ngay lập tức, không ý thức được hoàn cảnh xung quanh, không xét khả năng nhận thức của người khác, nguyên nhân vì sao? Theo thể ngộ của tôi là vì họ chưa đủ xích độ tâm tính, chưa có nền tảng vững chắc trong tu luyện tâm tính nên nhìn nhận khó có thể thanh tỉnh và lý trí, có những đoạn kinh văn Sư Phụ giảng là cho học viên tu lâu năm (chủ yếu là các học viên Trung Quốc, cũng có thể là ở các quốc gia khác nhưng phải tu luyện vững vàng tâm tính), nhưng các học viên mới vào, chưa hiểu tu luyện là gì vì họ chỉ biết 2 chữ tu luyện nói ra mồm một cách sáo rỗng, ai nghe họ nói cũng tưởng rằng họ hiểu tu luyện là gì, nhưng thực tế thì không. Ấy vậy mà họ vẫn đổ xô nhau đi đọc kinh văn, kinh văn mà Sư phụ viết trước 20/7/1999 thì còn có thể được chứ sau 1999 là có vấn đề rồi, ở góc độ nhận thức cá nhân thì tôi chỉ e rằng khả năng rất lớn là họ sẽ không lý trí, không phải là học Pháp mà là tìm cầu tri thức, rồi lại mang tâm lý sợ rằng không bước ra là không viên mãn, nghe Sư Phụ nói trọng trách rất lớn, không còn thời gian là họ liền nhao ra như thiêu thân, làm các việc một cách cực đoan, thậm chí bất cần quan tâm dư luận xã hội hay góp ý của các học viên khác.
Học viên mới, các bạn nghĩ là cần thời gian bao lâu để các bạn thực tu? Cần bao lâu để các bạn hiểu tu luyện là gì? Vì có người đọc kinh văn lẫn lộn với Chuyển Pháp Luân trong khi mới tu chưa lâu, nên thậm chí còn lý giải lệch lạc theo kiểu, nếu ai đó góp ý, khuyên can họ đừng làm cực đoan thì họ cho rằng là đang cấp đức cho họ? Là đang giúp họ đề cao tâm tính?! Tôi lấy ví dụ, bạn đang học cấp 1 thì đang lẽ phải xong cấp 1 mới lên cấp 2, bạn chưa học xong cấp 1 đã tòi lên cấp 2 và bạn đem những lý luận của cấp 1 áp dụng lên cấp 2 và ngược lại, nó có loạn không? Việc các học viên đang chứng thực Pháp bằng các cách thì tôi vốn không bình luận và cũng không quan tâm, miễn là không gây ra ảnh hướng tiêu cực, gây ra hiểu nhầm thậm chí ác cảm đối với người dân. Việc của các học viên đó là liên quan đến sinh mệnh người ta chứ đâu phải là tu luyện cá nhân? Thế mới bảo tu luyện trước 20/7/1999 và sau 20/7/1999 là hoàn toàn khác nhau, nếu không tu bản thân tốt thì liệu có làm công tác chứng thực Pháp được không? Ấy vậy mà khi có người chỉ ra, khuyên can thì họ không nghe, lại còn đem lẫn lộn tu luyện cá nhân và làm chính Pháp đan xen nhau, bảo rằng đang cấp Đức cho họ? Việc họ làm nó không còn đơn giản là tu cá nhân nữa, mà liên hệ đến sinh mệnh người khác, tại sao nói phải tu cá nhân cho tốt thì theo thể ngộ của tôi là vì phải như vậy mới không bị Ma kích động sang cực đoan, biết nghĩ cho người khác và có trách nhiệm, lý trí căn cứ hoàn cảnh, năng lực mà làm – cái đó phải thông qua tu luyện cá nhân cho vững thì mới có thể làm nổi, nếu không thì chỉ là làm như thiêu thân không cần quan tâm hậu quả, có người chỉ ra thì họ còn bảo cấp Đức cho họ? Họ không ý thức được nếu sinh mệnh kia mà vì cách làm của họ mà chết, thì có khác gì họ đi giết người, có khác gì là đi sát sinh không? Tôi nghĩ rằng nếu một người bị hại thôi thì có thể đã đủ lượng nghiệp lực khiến họ không tu luyện nổi nữa chứ đừng mơ đến đi cứu người. Nó nghiêm trọng như vậy mà họ không nhận ra?
2. BỊ CÁC THÀNH PHẦN ẨN NÚP TRONG HỌC VIÊN KÍCH ĐỘNG RA GIẢNG CHÂN TƯỢNG CỰC ĐOAN KHÔNG PHÙ HỢP VỚI HOÀN CẢNH
Các học viên khi mới đến điểm luyện công, đã được mời đi học Pháp nhóm, học Pháp 9 ngày và nghe các buổi chia sẻ, học viên tu luyện càng thực tu thì càng trầm tĩnh, càng lý trí, nhưng những người sau khi qua các “lò đào tạo” đó thì biểu hiện càng quá khích và hành vi thì khiến người xung quanh không lý giải nổi. Họ cho rằng có thể đi tắt đón đầu, có thể đọc càng nhiều kinh văn thì sẽ bắt kịp tiến trình Chính Pháp? Đó là họ mơ tưởng hão huyền! Họ không tu thì họ bắt kịp làm sao? Họ không có nền tảng thực tu vốn phải chuyên chú trong vài năm, họ chỉ qua vài tháng và đi chia sẻ đã biểu hiện như người tu luyện cao tầng? Họ không biết mình đang dính vào bẫy, họ bị kích động bước ra giảng chân tướng, nhưng những lời họ nói không có năng lượng, chính niệm chả có, chỉ học thuộc bởi các đám training tà ngộ, nói như vẹt thì ai nghe, đã thế còn bị họ nhồi vào là chính quyền là tà ác, là đang theo dõi nên biểu hiện của ai cũng như “bảo mật”, lúc nào cũng núp núp ngó ngó, biểu hiện như vậy mà vừa tiếp xúc vốn đã khiến cho người ta có cảm giác cảnh giác rồi. Đó là còn chưa kể ai tham gia hoạt động của họ cũng phải “tu khẩu”, họ bẻ cong hàm nghĩa tu khẩu = giữ bí mật, làm cho hoạt động trong xã hội, gia đình của các học viên mới khiến người xung quanh không lý giải nổi, dần dần mất thiện cảm vào Đại Pháp.
Sau một thời gian vừa học Chuyển Pháp Luân, vừa nhồi kinh văn thì tâm Pháp của họ đã bị loạn rồi, họ sẽ lý giải rất lung tung, lẫn lộn, biểu hiện có thể lấy ví dụ như sau:
- Ai góp ý cho việc họ làm thì họ không hướng nội xem xét lý trí, mà lại lấy Pháp trong kinh văn ra để làm bình phong, nếu không trả lời nổi thì quay ra phát chính niệm giải thể cựu thế lực đang điều khiển người góp ý? Nói đùa một chút, có khi họ còn chả có công mà phát chính niệm, cái lúc cần hướng nội thì họ lại bảo “phủ nhận an bài cựu thế lực?”, phủ nhận cái gì đây?
- Họ bị nghiệp bệnh, thì họ lại bảo là bị “cựu thế lực can nhiễu”, họ mới tu thì đương nhiên là phải trải qua quá trình thanh lý thân thế, họ lại lý giải là cựu thế lực can nhiễu?
- Ai góp ý, nói ra vấn đề về cách làm của họ thì họ bảo là đang nhục mạ, là đang cấp Đức cho họ? Đáng lý thì phải suy xét từ góc độ Chính Pháp, xem xem có gây ảnh hưởng đến người nghe, người thường hay không? thì lại lôi tu luyện cá nhân ra làm bình phong.
3. TÂM LÝ HAM CÔNG QUẢ, MUỐN TU TẮT, TU NHANH
Có một sai lầm cố hữu của các học viên mới là nghĩ cứ đi theo các chia sẻ của học viên thì sẽ nhanh đề cao tầng, làm theo họ thì tu lên sẽ nhanh, các học viên học Pháp có nhớ một đoạn trong Chuyển Pháp Luân, Sư Phụ có giảng đại ý (không nguyên văn) rằng “mình luyện công chẳng được chân truyền, vị nào dạy mình mấy tuyệt chiêu công mình tăng ngay, và thậm chí 95% người có lối nghĩ như vậy” – bài "Luyện công vì sao không tăng công" trong Chuyển Pháp Luân - Link gốc. (Học viên có thể xem lại nguyên văn bài giảng của Sư Phụ).
Tôi thể ngộ nông cạn được rằng "Tu" là tu bản thân, là quá trình rất gian khổ, nó chả lẽ đơn giản là ra làm hạng mục, ra nghe chia sẻ hay làm theo người ta thì sẽ tăng công? Tôi nghĩ rằng đó chỉ là nói chuyện cười thôi, ấy cũng là vì cái tâm không muốn bị bỏ lại sau, muốn tu tắt, tu nhanh nó dẫn dắt như vậy. Người tu chưa lâu bước ra làm hạng mục, giảng chân tướng phần nhiều bị cái tâm muốn công quả (mặc dù họ không muốn thừa nhận, bề mặt họ che đậy là vì muốn cứu người, nhưng họ đã biết tu là gì đâu? chưa bỏ các loại tâm, tâm danh lợi, tâm hiển thị, tật đố, sắc dục, tranh đấu v..v) dẫn dắt, họ không biết, cũng không muốn thừa nhận.
Tôi cũng thể ngộ được rằng tu luyện có nhiều loại tâm, mỗi loại tâm là một dạng khối vật chất giống nghiệp lực, mỗi quan khi đề cao chỉ bỏ được một chút trong cái khối đó, nó còn rất nhiều và càng tu lên cao nó càng ẩn giấu khó phát hiện, tu bỏ nó đã khó, cần khổ kỳ tâm chí, ấy vậy họ cho rằng họ không có tâm chấp trước gì? Nó có bi hài không? Mà họ bảo sẽ bỏ tâm, nhưng chỉ bỏ ở vẻ bề ngoài thôi, vì họ không hiểu tu luyện cụ thể là ra sao, bỏ tâm chấp trước qua mâu thuẫn thế nào nên họ chỉ cố gắng học lỏm bề mặt để bảo vệ cái danh hão của họ trong mắt các học viên tu ít hơn. Là mồm nói tu nhưng tâm không tu!
GIẢI PHÁP
Đã như vậy, thì học viên cần đặt tu luyện tâm tính lên hàng đầu, tu bản thân cần nghiêm túc, trở thành một người tốt, các công việc chứng thực Pháp thì trước hết làm ở những người xung quanh mình, cho họ thấy vẻ đẹp của Pháp bởi sự thay đổi qua việc đề cao tâm tính của mình. Các việc chứng thực Pháp khác thì họ nên lựa khả năng mà làm, có thể làm đến đâu thì làm đến đó, miễn là suy xét hoàn cảnh, không gây phản cảm, tư tưởng phụ diện hay ảnh hưởng xấu đến cái nhìn của người ta về Đại Pháp, đó chính là tiến từng bước từng bước, chậm nhưng chắc, nhưng nhiều người quá nóng vội, tu bản thân chưa vững đã ra làm các loại các dạng hạng mục mà không cân nhắc ảnh hưởng, không cân nhắc hậu quả, họ thực tế là đang truy cầu công quả qua số lượng người phản hồi tích cực, những người không thích, bài xích thì họ cho rằng là lỗi do người đó. Người này làm chứng thực Pháp hay chứng thực bản thân? Họ đâu vì cứu người, chỉ vì công quả của họ thôi, nhưng họ che đậy rất kỹ cái tâm đó, những gì không vừa ý, không theo ý họ thì họ không muốn chấp nhận, bởi đơn giản tu luyện là gì họ còn không nắm được, nó đã loạn từ bước cơ bản thì có tu lên tiếp nữa, tu nhiều năm nữa cũng vậy thôi. Đó chính là tu mà như không!
Những gì trên đây đều là thể ngộ tại tầng sở tại còn nông cạn của tôi, chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót, vì nội hàm của Pháp còn ở những tầng thứ cao hơn nhiều nữa. Nếu có gì chưa đúng rất mong nhận được góp ý từ các học viên.
BAN BIÊN TẬP WEBSITE: Đối với việc tham khảo nội dung bài giảng của Sư Phụ mà sử dụng từ khóa thì khuyến cáo học viên nên tự đọc lại hoặc tự tìm thủ công chứ không dùng phương thức "CTRL + F" vì cách này sẽ làm bôi đen lên phần nội dung bài giảng của Sư Phụ, Ban Biên Tập Website cho rằng như thế là không nên và không tôn trọng Sư Phụ (kể cả trong quá trình đọc online trên mạng cũng không nên dùng chuột bôi đen nội dung bài giảng của Sư Phụ). Riêng với học viên mới tu thì nếu là bài giảng sau năm 2000 thì khuyến nghị chưa nhất thiết phải đọc vội vì học viên mới tu có lẽ chưa thực sự phù hợp để đọc các kinh văn sau năm 2000 (theo nhìn nhận của chúng tôi) mà chỉ nên tập trung đọc Chuyển Pháp Luân và các kinh văn trước năm 2000 để hiểu được căn bản tu luyện là gì đã, tất nhiên đây chỉ là khuyến nghị chứ không có tính ép buộc.